Bộ Giao thông có ‘tiêu’ được hơn 94.000 tỷ đồng trong năm nay?
Năm 2023, Bộ GTVT được giao hơn 94 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công.
Năm nay, Bộ Giao thông Bận tải (GTVT) được Thủ tướng giao vốn đầu tư công hơn 94.000 tỷ đồng, để đầu tư hàng loạt công trình giao thông quan trọng, gấp đôi số vốn của năm ngoái.
- 14-01-2023SCMP: Nhiều công ty châu Âu tìm đến Việt Nam và Ấn Độ, vị trí “cường quốc sản xuất” của Trung Quốc trong 40 năm qua chịu áp lực?
- 14-01-2023Thủ tướng: Bộ Giao thông mất người, mất uy tín vì vụ án đăng kiểm
- 14-01-2023Nông sản Việt rộng đường sang Trung Quốc
Chiều 13/1, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công hơn 94.000 tỷ đồng là con số rất lớn, mục tiêu khởi công thêm 23 dự án giao thông mới, hoàn thành 29 dự án khác đang thi công.
“Dù vốn lớn, bộ vẫn đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm nay thấp nhất đạt 90% kế hoạch được giao”, ông Huy nói.
Nhìn lại năm vừa qua, ông Huy cho hay, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 22 dự án giao thông, trong đó có nhiều dự án quan trọng, như đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn; hoàn thành nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM); thông xe kỹ thuật 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây)…
Đồng thời, bộ đã thực hiện khởi công 18 dự án giao thông lớn, như 12 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 , khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, khởi công cầu Rạch Miễu 2…
Tính tới hết năm 2022, Bộ GTVT giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 47.900 tỷ đồng (đã đạt 87% vốn kế hoạch). Dự kiến hết năm tài chính (hết tháng 1/2023), bộ sẽ giải ngân đạt hơn 95% tổng vốn đầu tư công được giao. Bộ GTVT là một trong những bộ ngành đạt mức giải ngân đầu tư cao hơn bình quân chung cả nước.
Đáng chú ý, theo ông Huy, năm 2022, hoạt động vận tải khách đã từng bước phục hồi sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Tính chung cả năm vừa qua, vận tải khách tăng 52% so với năm 2021. Đặc biệt, vận tải khách hàng không tăng hơn 224% (hơn 80 triệu lượt khách), khách đường sắt tăng hơn 205%, đường bộ tăng hơn 51%... Vận chuyển hàng hoá tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm trước.
“Vận tải khách hàng không và đường sắt năm vừa qua tăng trưởng 3 con số so với năm 2021. Đặc biệt vận tải đường sắt đã bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tiếp lỗ. Với hàng không, Việt Nam được xếp là 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới”, ông Huy nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận, tai nạn giao thông năm vừa qua vẫn tăng so với năm 2021; còn một số dự án giao thông chậm tiến độ; một số chủ đầu tư, nhà thầu chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong triển khai dự án, giải phóng mặt bằng… Công tác thanh kiểm tra tại một số lĩnh vực chưa kịp thời, chưa phát hiện sai phạm.
Năm 2023, Bộ GTVT đặt mục tiêu phục hồi vận tải, đặc biệt vận tải khách quốc tế sau giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19, phấn đấu khách tăng 8% so với năm vừa qua.
Tiền Phong