MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Giao thông nói về dự án cao tốc 11.150 tỷ nguy cơ 'vỡ' tín dụng

Bộ Giao thông nói về dự án cao tốc 11.150 tỷ nguy cơ 'vỡ' tín dụng

Tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, cơ quan này chưa nhận được báo cáo hay kiến nghị nào của nhà đầu tư, ngân hàng liên quan tới tạm dừng cấp tín dụng cho dự án BOT cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Trước đó, xuất hiện thông tin dự án BOT cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt nguy cơ "vỡ" tín dụng do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tạm ngưng cấp vốn cho dự án này vì Bộ GTVT từ chối áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu.

Tuy nhiên, chiều 7/8, nguồn tin từ Bộ GTVT cho hay, bộ chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc BIDV tạm ngưng cấp vốn cho dự án BOT cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt với lý do trên.

Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt triển khai thi công từ ngày 22/5 tới nay (hợp đồng BOT ký ngày 13/5), ngân hàng mới cấp cam kết và bảo lãnh tín dụng, chưa giải ngân vốn vay cho dự án (đủ điều kiện để khởi công xây dựng). Do đó, chưa cấp vốn nên không có chuyện dừng cấp.

 Bộ Giao thông nói về dự án cao tốc 11.150 tỷ nguy cơ vỡ tín dụng  - Ảnh 1.

Lễ khởi công xây dựng đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt ngày 22/5 vừa qua.

Theo hợp đồng BOT, nhà đầu tư có 6 tháng để ký hợp đồng huy động tín dụng, không chỉ tín dụng từ ngân hàng, mà các nguồn tín dụng hợp pháp khác đều được. Nếu hết thời hạn nhà đầu tư không huy động được tín dụng, hợp đồng BOT ký với Bộ GTVT sẽ tự động huỷ, Bộ GTVT thu hồi lại dự án và tiền bảo lãnh.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu theo Điều 82, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), phía Bộ GTVT cho rằng, điều khoản này không áp dụng với các dự án được chấp thuận đầu tư trước khi luật có hiệu lực. Do đó, cả 3 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam phía Đông đều không được áp dụng cơ chế này.

Từ đầu các nhà đầu tư, ngân hàng đều biết 3 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam không được áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro trên. Do các dự án này được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2017, trong khi luật có hiệu lực từ năm 2021 (luật quy định không áp dụng với dự án được phê duyệt trước thời điểm luật có hiệu lực). Khi triển khai thủ tục mời thầu, Bộ GTVT nhận được những kiến nghị về vấn đề này, nhưng luật đã rõ, nhà đầu tư và ngân hàng đều biết trước và chấp nhận điều đó mới tham gia đấu thầu.

Thay vào đó, nhà nước chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư làm BOT cao tốc Bắc – Nam bằng cơ chế hỗ trợ vốn trực tiếp từ ngân sách, cả 3 dự án BOT đều có phần vốn nhà nước tham gia trên 50% tổng vốn đầu tư.

Về cuộc họp cuối tháng 7 vừa qua giữa Bộ GTVT, nhà đầu tư trúng thầu dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt và ngân hàng BIDV, theo nguồn tin từ Bộ GTVT, cuộc họp này chỉ để giải thích lại cho các bên cùng hiểu vấn đề, không phải để giải quyết kiến nghị.

Nếu dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt muốn được hưởng cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu, sẽ phải làm lại dự án và báo cáo Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dự án cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt được ký hợp đồng BOT ngày 13/5, giữa Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư: Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2.

Ngay sau đó, ngày 22/5, dự án đã khởi công xây dựng.

Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt là 1 trong 11 đoạn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Dự án dài khoảng 50 km, đi qua Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km). Dự án có tổng vốn đầu tư 11.150 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà nước khoảng 6.067 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 1.023 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động tín dụng khoảng 4.067 tỷ đồng.

Dự án dự kiến triển khai xây dựng trong 3 năm (hoàn thành cuối 2024), thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư khoảng 16 năm 6 tháng.

Theo Lê Hữu Việt

Theo Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên