MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Giao thông vận tải muốn sớm thu phí cao tốc đầu tư công

Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ hoàn thiện đề xuất phương án thí điểm thu phí cao tốc đầu tư công để báo cáo Chính phủ xem xét trình cấp thẩm quyền thông qua trong cuối năm nay. Dự thảo Luật Đường bộ đang được xây dựng sẽ có quy định về thu phí đường cao tốc đầu tư công.

Trong nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đặt nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật về thu tiền sử dụng dịch vụ đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước (đầu tư công).

Bộ GTVT cho biết, sẽ hoàn thiện báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét Luật Đường bộ vào kỳ họp cuối năm nay, thông qua vào kỳ họp đầu năm 2024. Nếu các đề xuất trong dự thảo luật được thông qua, sẽ chính thức luật hoá quy định về thu phí với cao tốc đầu tư công theo các Nghị quyết của Quốc hội.

Bộ Giao thông vận tải muốn sớm thu phí cao tốc đầu tư công - Ảnh 1.

Bộ GTVT sẽ trình cấp thẩm quyền phương án thu phí cao tốc đầu tư công trong cuối năm nay (Ảnh minh họa: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình).

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành GTVT vừa diễn ra, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng giao các đơn vị liên quan của bộ trong nửa cuối năm, phải sớm hoàn thiện phương án thu phí cao tốc đầu tư công để trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua.

Ông Thắng cho rằng, đây là nhiệm cấp bách, bức thiết, do thời gian tới sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc đầu tư công đưa vào khai thác. Nhiệm vụ này sẽ được bộ đưa vào để đánh giá kết quả công việc của các lãnh đạo các đơn vị hằng tháng.

Tại Dự thảo Luật Đường bộ (tách từ Luật Giao thông đường bộ 2008) đang được Bộ GTVT hoàn thiện, tại Điều 43 quy định về nguồn tài chính thu từ tài sản hạ tầng giao thông đường bộ nộp ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư, quản lý, vận hành, bảo trì, gồm: Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện (đang thu với ô tô khi đăng kiểm); Phí sử dụng đường cao tốc đầu tư công tính theo quãng đường thực tế xe đi (tính theo kilômét).

Nếu quy định trên được thông qua, sẽ có 2 loại phí sử dụng đường bộ tính với ô tô, gồm phí đường bộ đang thu trên đầu phương tiện ô tô qua mỗi kỳ đăng kiểm, nguồn thu sử dụng để bảo trì các tuyến đường bộ chung trên toàn quốc (quốc lộ, tỉnh lộ…). Những ô tô đi cao tốc đầu tư công, hoặc cao tốc hết hợp đồng BOT được bàn giao lại nhà nước sẽ tính phí theo quãng đường sử dụng thực tế (trường hợp đi quốc lộ song song sẽ không mất phí).

Phí ô tô đi cao tốc đầu tư công được định hướng là một khoản phí nộp ngân sách nhà nước, nên Dự thảo Luật Đường bộ sẽ điều chỉnh, bổ sung danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và lệ phí năm 2015. Cụ thể, danh mục phí thuộc lĩnh vực GTVT sẽ có 2 loại, gồm: Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương do Bộ Tài chính ban hành.

Phí sử dụng đường cao tốc đầu tư công tính theo quãng đường xe chạy. Khoản phí này, Bộ Tài chính ban hành mức phí với đường cao tốc do trung ương đầu tư và quản lý; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành biểu phí với đường cao tốc địa phương.

Bộ GTVT đánh giá, quy định hiện hành chưa đủ khuyến khích huy động vốn xã hội tham gia đầu tư đường cao tốc, nên cần bổ sung quy định về cơ chế quản lý, thu hút vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc.

Đánh giá tác động của chính sách thu phí đường cao tốc đầu tư công, Bộ GTVT cho rằng, để Việt Nam đạt mục tiêu có 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, cần vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng. Ngoài phần vốn đã bố trí cho cao tốc Bắc - Nam và một số tuyến cao tốc kết nối vùng, trong 10 năm tới vẫn cần trên 239.000 tỷ đồng từ ngân sách (bình quân 24.000 tỷ đồng/năm).

Giải pháp thu phí với cao tốc đầu tư công, theo đơn vị xây dựng Dự thảo Luật Đường bộ, sẽ thu hút thêm nguồn lực cho đầu tư cao tốc, giảm gánh nặng ngân sách nhưng vẫn đảm bảo có vốn cho đầu tư. Với người dân, nếu sử dụng đường cao tốc sẽ mất thêm chi phí, nhưng đổi lại sẽ được sử dụng đường chất lượng cao, tiết kiệm thời gian, chi phí nhiên liệu, hao mòn phương tiện… Trường hợp không muốn mất phí này, chủ xe vẫn có thể sử dụng các tuyến quốc lộ song hành không mất phí.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong

Trở lên trên