Bộ GTVT tăng tốc giải ngân các dự án giao thông trọng điểm trong tháng 9
Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo kế hoạch của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đăng ký, tháng 9/2023, khối lượng giải ngân ở các dự án giao thông trọng điểm khoảng 7.439 tỷ đồng.
- 17-09-2023Quảng Nam khởi công xây dựng cầu 575 tỷ nối Điện Bàn và Đại Lộc
- 17-09-2023Hơn 14.300 tỉ đồng đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
- 16-09-2023Đòn bẩy phát triển kinh tế xanh
Đây là khối lượng giải ngân rất lớn, cần có sự tập trung và nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, nhất là các ban quản lý dự án cần tăng cường phối hợp với các địa phương, thanh toán nhanh gọn cho các nhà thầu, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án và hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.
Trong tháng 9/2023, khối lượng giải ngân ở các dự án giao thông trọng điểm khoảng 7.439 tỷ đồng, Bộ giao cho các Ban quản lý dự án thực hiện giải ngân. Trong số đó, có 4 ban quản lý dự án đăng ký kế hoạch giải ngân lớn, gồm: Ban Quản lý dự án 85 đăng ký hơn 1.400 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đăng ký xấp xỉ 1.400 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án 7 đăng ký hơn 1.370 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đăng ký 887 tỷ đồng.
Yếu tố quan trọng nhất đối với các ban quản lý dự án trong giải ngân là cần linh hoạt điều phối để đảm bảo tiến độ giải ngân theo từng tháng.
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nêu cách thức: “Triển khai giải ngân, Ban cũng đã có kế hoạch ngay từ sớm. Đối với từng phần việc, ví dụ như GPMB, thi công, chúng tôi chủ động làm việc với địa phương, nhà thầu, đơn vị giám sát, thiết kế.... để lên kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng. Vì muốn giải ngân tốt thì kế hoạch giải ngân cần phải chi tiết, khả thi và phù hợp với thực tế”.
Thực hiện kế hoạch giải ngân đối với các dự án trọng điểm có tính quyết định như các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, tới nay đã giải ngân được gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch vốn được giao. Theo Bộ Giao thông Vận tải, một số dự án có kết quả giải ngân chưa đạt kế hoạch đăng ký như: dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đạt 84%; đoạn Chí Thạnh - Vân Phong của Ban Quản lý dự án 7 đạt 83%; đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn của Ban Quản lý dự án 2 đạt 84%, đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh của Ban Quản lý dự án 85 đạt 85%.
Một số nguyên nhân được chỉ rõ như do giải phóng mặt bằng chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, các yếu tố: thời tiết không thuận lợi, tiến độ bàn giao mỏ vật liệu cho nhà thầu của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu ảnh hưởng đến kết quả giải ngân.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu kinh nghiệm để đạt kết quả giải ngân từ thực tế triển khai 2 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, đoạn Mai Sơn-QL45 và QL45-Nghi Sơn: “Ví dụ công tác khảo sát các mỏ thì trữ lượng thì có, nhưng chất lượng có thể không đáp ứng yêu cầu. Do vậy, phải có kế hoạch triển khai sớm, sau đó thực hiện các thủ tục cấp phép. Để giải quyết khó khăn giai đoạn 1, Chính phủ đã có 2 nghị quyết để giải quyết vướng mắc về vật liệu, các địa phương làm căn cứ chuẩn bị sớm nguồn vật liệu, đáp ứng thi công cao tốc”.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân, vai trò của các nhà thầu thi công có yếu tố quyết định. Các nhà thầu đều tập trung nhân lực, máy móc thiết bị thi công liên tục để đảm bảo tiến độ dự án với tinh thần trách nhiệm và uy tín nhà thầu.
Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lizen, nhà thầu tham gia thi công dự án cao tốc Bắc – Nam, nêu kinh nghiệm: “Để triển khai các dự án, chúng tôi với tư cách nhà thầu, với trách nhiệm, vượt qua khó khăn về thời tiết và vật liệu. Muốn vượt qua, công tác chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng tôi chuẩn bị máy móc thi công caco tốc hiện đại. Tiếp đó đối với đội ngũ kỹ sư, người lao động được chuẩn bị và chăm lo đời sống để dành thời gian tập trung thi công cao tốc”.
Trong tháng 9 này và thời gian còn lại của năm, khối lượng giải ngân rất lớn, cần sự tập trung của toàn ngành, trên tinh thần đoàn kết và tập trung cao độ.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, cho biết: “Khối lượng giải ngân rất lớn. Chúng ta quyết tâm hơn và hiệu quả hơn. Do vậy, tôi đề nghị các ban quản lý dự án, các đơn vị làm việc với các địa phương tích cực, giải quyết các khó khăn về mặt bằng, vật liệu, để đảm bảo giải ngân năm 2023 này hoàn thành theo kế hoạch”.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các ban QLDA tập trung nguồn nhân lực triển khai, tạo điều kiện tài chính cho nhà thầu, kiểm soát nghiêm chất lượng thi công. Đơn vị tư vấn bám sát hiện trường, đẩy nhanh nghiệm thu thanh toán. Các nhà thầu vượt qua khó khăn chưa từng có, tăng cường nhân lực, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để thực hiện thực hiện giải ngân... tất cả cùng vì mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ giải ngân của ngành, hoàn thành các dự án, công trình giao thông trọng điểm và kế hoạch giải ngân toàn ngành năm 2023 như Chính phủ giao.
vov.vn