Bộ luật Hình sự: Phải sửa toàn diện, căn cơ
Chất lượng làm luật là trách nhiệm cũng là danh dự của Quốc hội, không vì áp lực thời gian mà nóng vội thông qua những nội dung bản thân mỗi đại biểu Quốc hội khi bấm nút mà chưa yên tâm.
Đó là quan điềm của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) tại phiên thảo luận sửa đổi dự án Bộ luật Hình sự 2015, ngày 26/10 của Quốc hội.
Sau 49 ý kiến thảo luận và tranh luận, Quốc hội quyết định chưa vội thông qua tại kỳ họp này mà sẽ thông qua trong kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).
Một trong những vấn đề được nhiều vị tập trung thảo luận và còn ý kiến nhiều chiều chính là phạm vi sửa đổi lần này: sửa đổi tất cả những điều phát hiện lỗi, cho đến khi nào không còn vướng mắc nữa mới thông qua, hay chỉ sửa đổi những lỗi không thể không sửa.
Đăng đàn đầu tiên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cũng đề cập đầu tiên đến phạm vi sửa đổi.
Đại biểu Xuân nhấn mạnh, Bộ luật Hình sự là đạo luật lớn, có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước. bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Nếu để sai sót trong Bộ luật Hình sự sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường và mang tính lâu dài. Vì thế lần sửa đổi này cần phải khắc phục tối đa những sai sót và thậm chí phải sửa đổi triệt để căn bản, toàn diện những quy định chưa hợp lý của Bộ luật hình sự năm 2015, đại biểu Xuân bày tỏ quan điểm.
Phải sửa toàn diện, căn cơ cũng là quan điểm của nhiều vị khác.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm, phải rà soát kỹ lưỡng tổng thể bộ luật, bất kỳ quy định nào chưa phù hợp, khó áp dụng đều phải tiến hành sửa đổi mà không giới hạn phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Đại diện Ban Soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, ban đầu chỉ dự kiến đưa ra Quốc hội sửa đổi 8 điều. Tuy nhiên, sau đó phạm vi mở rộng lên 90 điều, rồi 130 điều và cuối cùng tờ trình của Chính phủ đưa ra Quốc hội là 141 điều.
Qua thảo luận tại hội trường của 49 đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long tổng hợp được ý kiến liên quan đến 140 điều nữa. Như vậy, phạm vi cho ý kiến của các đại biểu đã lên tới hơn 200 điều, hơn một nửa số điều tại Bộ luật. Từ ý định sửa đổi các sai sót “kỹ thuật”, việc sửa đổi đã đụng đến nội dung, thậm chí động đến quan điểm hình sự.
Kiên trì quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long nói: tuy không có 7 năm nghiên cứu, xem xét như Bộ luật Hình sự 1999, nhưng Bộ luật Hình sự 2015 cũng có 5 năm nghiên cứu với trình độ hiểu biết, khả năng tiếp cận thông tin rộng hơn. Cơ quan soạn thảo cũng đã trăn trở rà soát, báo cáo, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền hết cấp này cấp khác để rút ra một số ý gọi là chính sách hình sự như giảm hình phạt tử hình, giảm hình phạt tước tự do...
Bộ trưởng khẳng định “Có những điều ban soạn thảo chưa thỏa mãn, có những điều chưa thống nhất được với nhau, đã rà soát không dám nói chắc 100%, nhưng sai về kỹ thuật cơ bản đã xử lý xong”.
Theo Bộ trưởng thì luật chỉ có thể thông qua bằng phương pháp đa số, chứ không thể có tuyệt đối, không thể chiều hết ý của tất cả các nhóm người trong xã hội. Có những ý kiến chưa được lắng nghe cũng phải chấp nhận như là một điều bình thường.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu kết lại, việc sửa Bộ luật Hình sự 2015 không thể làm xong trong một kỳ họp, mà sẽ phải thông qua tại hai kỳ, như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng như ý kiến của đại đa số đại biểu.
Qua một ngày thảo luận, Phó chủ tịch cho rằng chỉ nên xác định 3 loại vấn đề: chỉ sửa lỗi kỹ thuật liên quan đến nội dung và việc áp dụng thống nhất pháp luật; thứ hai là sửa đổi những nội dung rõ ràng có sai, không sửa không được và có sự thống nhất rất cao của các đại biểu; thứ ba là bổ sung những quy định rất mới để đảm bảo công tác phòng chống tội phạm (như các loại ma túy mới).
Bên cạnh giao cho cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan tư pháp ở Trung ương nghiên cứu đầy đủ ý kiến phát biểu của đại biểu để chỉnh lý, Phó chủ tịch cũng đề nghị tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề để bàn các nội dung có ý thức chuyên sâu, có sự tham gia của các chuyên gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách, lấy ý kiến của các địa phương, các đoàn đại biểu... để góp phần chỉnh lý dự luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ thứ ba, Phó chủ tịch nói.
VnEconomy