Bỏ lương 1,6 tỷ đồng một năm tại Australia, 9X về Việt Nam khởi nghiệp Fintech
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam cùng sự ủng hộ của Chính phủ đối với phong trào khởi nghiệp, Nghiêm Xuân Huy quyết định về nước sau 9 năm học tập và làm việc tại Australia.
Nghiêm Xuân Huy, sinh năm 1991, xuất hiện với áo nỉ và quần jeans - trang phục quen thuộc của nhiều CEO công nghệ trên thế giới tại nơi làm việc chỉ vài ngày sau khi Finhay - startup do Huy sáng lập và đảm nhiệm vị trí CEO – công bố gọi vốn thành công gần 1 triệu USD từ quỹ Insignia Venture Partners cùng một số nhà đầu tư khác. Trước thắc mắc của phóng viên NDH về việc văn phòng còn nhiều chỗ trống, Huy cho biết Finhay đang tuyển dụng thêm nhân sự để phát triển công ty trong thời gian tới.
-Tốt nghiệp Đại học Sydney và từng làm chuyên viên tư vấn tài chính cho tập đoàn bảo hiểm AMP, lý do gì khiến anh quyết định về Việt Nam sau 9 năm ở Australia?
Cơ hội, tiềm năng và kinh tế phát triển tại Việt Nam là những nguyên nhân chính khiến tôi muốn trở về. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam phát triển rất mạnh trong thời gian qua, Chính phủ đã chọn năm 2016 là năm "Quốc gia khởi nghiệp". Sự ủng hộ của cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước cho ứng dụng công nghệ cũng tiếp thêm động lực cho tôi về nước khởi nghiệp và cống hiến.
-Anh có thể tiết lộ mức lương tại AMP trước khi về Việt Nam?
Mức lương của tôi tại AMP là gần 100.000 AUD (hơn 1,6 tỷ đồng) một năm.
Nghiêm Xuân Huy giới thiệu về mô hình hoạt động của Finhay. Ảnh: Bạch Dương.
-So với công việc tư vấn tài chính, làm CEO một startup có gì khác?
Khi làm tư vấn tài chính, tôi không phải lo nhiều, chỉ cần quan tâm nghiệp vụ của mình. Còn với vị trí CEO startup, tôi phải lo rất nhiều việc như tìm kiếm người tài, định hướng công ty, áp dụng công nghệ mới, quan hệ với đối tác, cổ đông...
-Từ đâu anh có ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech?
Năm 2016, tôi có cơ hội tiếp cận với một ứng dụng kết nối giới trẻ với các quỹ đầu tư của Australia. Sau một thời gian sử dụng, tôi thấy rất thích nên đã chia sẻ tới bạn bè. Những người bạn của tôi khi dùng thử cũng thấy đây là một giải pháp tuyệt vời.
Qua tìm hiểu, tôi biết Việt Nam chưa có sản phẩm tương tự, vì vậy tôi quyết định khởi nghiệp với ý tưởng này. Thời gian đầu, tôi phải đi về giữa Việt Nam và Australia để lo công việc.
-Tại sao anh đặt tên startup của mình là Finhay?
Finhay là viết tắt của từ Finance (Tài chính) và hay ho. Mọi người thường nghĩ Tài chính là lĩnh vực nhàm chán nhưng chúng tôi lại muốn chứng minh đây là lĩnh vực có rất nhiều điều hay ho.
-Vậy Finhay có gì hay?
Finhay là giải pháp nền tảng công nghệ tài chính (Fintech) ra đời năm 2017 nhằm kết nối giới đầu tư nhỏ lẻ có vốn chỉ từ 50.000 đồng với các quỹ tài chính tài Việt Nam. Ứng dụng của chúng tôi tự động phân tích khẩu vị rủi ro của người dùng và đề xuất cách phân bổ tiền đến quỹ phù hợp. Hiện 18 trong tổng số 25 quỹ tại Việt Nam đã có mặt trên hệ thống Finhay, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như SCA (của Công ty quản lý quỹ SSI), ETFVN30, VF1 (của Công ty quản lý quỹ Việt Nam VFM)...
Đối tượng khách hàng của Finhay là các bạn trẻ độ tuổi từ 25 đến 28, công việc văn phòng, lương hơn 8 triệu/ tháng, có nhu cầu đầu tư, có khối lượng tiền rảnh rỗi vừa phải, thời gian ít, và có xu hướng thích trải nghiệm online.
-Finhay đưa ra lời khuyên đầu tư cho người dùng bằng cách nào?
Finhay áp dụng lý thuyết Modern Portfolio Theory (Cấu trúc đầu tư hiện đại) của Harry Markowitz, người từng được giải Nobel Kinh Tế những năm 1990 để giúp người dùng tiết kiệm và đầu tư.
-Người dùng ứng dụng Finhay có được cam kết về lợi nhuận?
Finhay không đưa ra lời mời chào đầu tư vào một sản phẩm tài chính cụ thể nào, thay vào đó chúng tôi cung cấp nền tảng công nghệ để giúp người dùng tiếp cận các quỹ tài chính, đồng thời giúp đánh giá khẩu vị rủi ro và đề xuất cấu trúc phù hợp cho khẩu vị rủi ro đấy. Mọi quyết định đầu tư vào quỹ tài chính hoặc cấu trúc nào là hoàn toàn do người dùng quyết định, chúng tôi không cam kết về lợi nhuận.
Một trong những cấu trúc đầu tư được Finhay đề xuất cho người dùng. Nguồn: Finhay.
-So với gửi tiết kiệm ngân hàng, đầu tư thông qua Finhay có gì lợi hơn?
Theo tôi, mỗi phương thức đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Tiết kiệm thì lãi suất ổn định, nhưng bạn phải để tiền ở ngân hàng trong một khoảng thời gian nhất định (kỳ hạn tiết kiệm). Đầu tư vào các quỹ tài chính rủi ro cao hơn nhưng lợi nhuận tiềm năng cũng cao hơn. Hơn nữa, người dùng Finhay có thể rút tiền bất kỳ khi nào họ muốn.
-Sự xuất hiện của hàng loạt các công ty lừa đảo mô hình Ponzi trong thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh các công ty tài chính công nghệ. Finhay có phải là một “nạn nhân” trong số đó?
Đúng là một số khách hàng từng cho rằng Finhay lừa đảo. Tôi nghĩ điều đó không thể tránh khỏi vì công nghệ tài chính là một mảng khá tế nhị do có liên quan đến tiền bạc. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ và tin tưởng rót vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm uy tín, đối tác ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, cũng như thời gian hoạt động gần 2 năm Finhay dần xây dựng được niềm tin với người dùng.
-Bản thân anh có đầu tư qua Finhay không và kết quả ra sao (nếu có)?
Tất nhiên là có (cười). Năm 2017 tài khoản của tôi tăng trưởng 28% còn năm 2018 thì giảm 4%.
CEO 9X đánh giá thị trường Fintech Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển. Ảnh: Bạch Dương.
-Với 1 triệu USD huy động được trong vòng gọi vốn vừa qua, Finhay dự định làm gì?
Hiện Finhay có hơn 13.000 người dùng. Với số vốn gọi được được, mục tiêu năm 2019 của chúng tôi là tăng trưởng người dùng lên mức 6 con số.
-Fintech được coi là cuộc chiến "đốt tiền", anh có nghĩ 1 triệu USD là quá ít?
Tôi thì không nghĩ như vậy. Theo tôi, điều quan trọng không phải là 1 triệu hay 10 triệu USD mà là chi tiêu thế nào cho hiệu quả.
-Theo báo cáo của Topica Founder Institute, Fintech là lĩnh vực khởi nghiệp được rót vốn nhiều nhất tại Việt Nam năm 2018 với 117 triệu USD. Anh đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Fintech trong nước?
Sự phát triển của các Fintech là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Tại Việt Nam, các startup Fintech hiện nay chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực cổng thanh toán trực tuyến, ví điện tử và cho vay ngang hàng. Thị trường vẫn thiếu một số mảng như Insurtech (Công nghệ bảo hiểm), Credit Scoring (đánh giá điểm tín dụng), Equity Crowdfunding (đầu tư cộng đồng), Crowdfunding (gọi vốn cộng đồng)... Vì vậy, tôi cho rằng Fintech sẽ có rất nhiều cơ hội để mở rộng tại Việt Nam.
Cảm ơn anh!