MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bổ nhiệm 1 Sở 8 Phó Giám đốc ở Thanh Hóa: Bất chấp quy định

09-08-2016 - 07:37 AM | Xã hội

Về lý do Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá đưa ra khi 1 Sở bổ nhiệm tới 8 Phó Giám đốc, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nói: Giải thích đó là theo kiểu bất chấp quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng vừa ký quyết định bổ nhiệm thêm 2 Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, nâng số cấp Phó của Sở này lên 8, vượt xa quy định của Chính phủ là "số lượng Phó giám đốc Sở không quá 3 người; riêng các Sở thuộc UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM không quá 4 người".

Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội và là người từng nhiều năm làm Thanh tra viên cao cấp - Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết rất chia sẻ với Thanh Hoá là tỉnh lớn, địa bàn rộng có thể có thêm cấp phó, nhưng có quá cũng chỉ 1-2 người chứ không có trường hợp quá nhiều như thế được Việc này thì Bộ Nội vụ, Chính phủ phải lên tiếng.

Mấy ngày nay dư luận rất quan tâm đến việc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hoá có tới 8 Phó Giám đốc Sở trong khi quy định không quá 3. Quan điểm của ông như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Không biết thực chất ở đó phân công, phân nhiệm như thế nào và trong số 8 Phó Giám đốc Sở có ai chuẩn bị chuyển đi, hay nghỉ hưu mà người ta có chuyện gối đầu trong công tác bổ nhiệm cán bộ hay không.

Còn thực tế bổ nhiệm đến 8 Phó Giám đốc Sở là không phù hợp với quy định của pháp luật vì theo quy định các Sở không quá 3, nếu có thì cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định nhưng không thể nhiều đến 8 được.

Thứ hai nữa, trong quản lý điều hành một người có thể điều hành ở rất nhiều lĩnh vực, công việc khác nhau. Còn các cấp bên dưới nữa như Chi cục, phòng chứ đâu phải cái gì lãnh đạo Sở cũng giải quyết.

Được biết trong 8 PGĐ Sở thì 1 người sẽ chuyển đi trong thời gian tới và 1 người không điều hành công việc với chức trách PGĐ Sở mà chỉ làm nhiệm vụ Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng lý giải việc “xé rào” có lý do là khối lượng công việc rất nhiều, nếu chỉ 3 PGĐ sẽ khó khăn trong quản lý, điều hành?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Giải thích đó là theo kiểu bất chấp quy định của pháp luật. Nó không đúng!

Thực ra, tôi chia sẻ với Thanh Hoá là tỉnh lớn, địa bàn rộng, cả miền núi, đồng bằng thì Thường vụ Tỉnh uỷ có thể xem xét bổ nhiệm thêm nhưng có quá cũng chỉ 1-2 người chứ không có trường hợp quá nhiều như thế được. Việc này thì Bộ Nội vụ, Chính phủ phải lên tiếng thôi!

Nếu thực thi đúng chức trách và năng lực, theo phân cấp, phân quyền thì liệu một Sở có cần số lượng lớn cấp Phó đến vậy? Và cụm từ “lạm phát cấp phó” cũng từng rất “nóng” tại những kỳ họp cuối của Quốc hội khoá XIII, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Cái đấy rất là rõ rồi, vì khi làm Luật Tổ chức Chính phủ cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương có rất nhiều đại biểu rất bức xúc, gọi là “lạm phát cấp phó” vì bổ nhiệm quá nhiều cấp phó, không chỉ ở địa phương mà ở Trung ương cũng cần có quy định cụ thể.

Tất nhiên người ta cũng cho người có thẩm quyền có quyền quyết định tăng số lượng cấp phó so với quy định, nhưng tăng ở mức độ gọi là vừa phải chứ không phải gấp đôi, gấp ba như thế.

Trong hoạt động điều hành như tôi nói là không phải cứ cấp phó mới điều hành chỉ đạo được bởi vì trong Sở lớn đa ngành đa lĩnh vực như Sở NN-PTNT thì còn có các chi cục ở bên dưới, cấp phòng và bộ phận chức năng chứ đâu phải cái gì lãnh đạo Sở cũng làm đâu. Đấy là cách người ta lý giải cho việc cố tình muốn bổ nhiệm quá nhiều cấp phó như thế!

Việc bổ nhiệm đều có quy trình, quy định chặt chẽ. Tại sao chuyện này vẫn cứ “lọt” qua dễ như thế, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Thẩm quyền bổ nhiệm lãnh đạo các Sở hoàn toàn thuộc chính quyền địa phương. Trước đây, tôi đi thanh tra rất nhiều và phát hiện rất nhiều trường hợp công tác cán bộ làm sai, nhưng người thực thi họ nói thẳng rằng nếu không có ý kiến Thường vụ thì không ai làm được cả.

Vậy Thường vụ Tỉnh uỷ là cơ quan có thẩm quyền tối đa trong công tác cán bộ ở tỉnh. Công tác cán bộ là của Đảng mà Thường vụ Tỉnh uỷ to nhất ở đấy rồi, nếu Thường vụ không thực hiện nghiêm túc thì mọi việc đương nhiên không đi theo hướng quy định.

Với trường hợp bổ nhiệm rồi mà không đúng quy định, cấp trên không chấp nhận cơ chế tăng nhiều như thế thì giải quyết thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Sỹ Cương: Nếu Bộ Nội vụ vào kiểm tra, thanh tra thấy rằng việc bổ nhiệm không đúng, không phù hợp thì yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm huỷ bỏ quyết định đó đi để giảm bớt cấp phó.

Xin cảm ơn ông!.

Theo Ngọc Thành

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên