MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bỏ phiếu Đại cử tri Đoàn: Sự kiện "mang tính thủ tục" trở thành điểm nóng nhất của bầu cử Mỹ năm nay

14-12-2020 - 23:12 PM | Tài chính quốc tế

Bỏ phiếu Đại cử tri Đoàn: Sự kiện "mang tính thủ tục" trở thành điểm nóng nhất của bầu cử Mỹ năm nay

Mặc dù ông Trump vẫn tuyên bố ông đã chiến thắng nhiệm kỳ thứ 2, nhưng nói ông sẽ rời khỏi Nhà Trắng nếu thua trong cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri Đoàn.

Mỗi 4 năm, Đại cử tri Đoàn sẽ họp mặt và chính thức gọi tên tổng thống và phó tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo của Mỹ . Sự kiện này thông thường chỉ mang tính "thủ tục" bởi kết quả hầu như đều đã được quyết định trong vài ngày sau ngày bỏ phiếu. Tuy nhiên, năm nay, các nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều người tập trung sự chú ý vào sự kiện này.

Tất cả 50 bang của Mỹ đã xác nhận kết quả bầu cử với cán cân nghiêng về ông Joe Biden. Sau khi Đại cử tri bỏ phiếu, kết quả này sẽ được xác nhận chính thức và ông Biden sẽ trở thành tổng thống đắc cử thứ 46 của Mỹ.

Ông Trump và một số thành viên đảng Cộng hòa đã tìm cách loại bỏ Đại cử tri từ 4 bang chiến trường, nhưng Tòa án Tối cao đã bác bỏ yêu cầu này. Sau khi có tuyên bố từ tòa, phát ngôn viên của ông Biden nói: "Chiến thắng rõ ràng của tổng thống đắc cử Biden sẽ được Đại cử tri Đoàn xác nhận vào ngày 14/12, và ông Biden sẽ nhậm chức vào ngày 20/1".

Đại cử tri là những người được các đảng chính trị ở từng bang chọn trước ngày bầu cử tháng 11. Đại cử tri Đoàn gồm 538 Đại cử tri, và người nào giành được 270 phiếu sẽ chiến thắng trong bầu cử tổng thống.

Theo luật liên bang, Đại cử tri sẽ tập trung tại từng bang để "bỏ phiếu vào ngày thứ 2 đầu tiên sau ngày thứ 4 thứ hai vào tháng 12". Năm nay, đó là ngày 14/12.

Hầu hết hoạt động bỏ phiếu sẽ diễn ra ở các văn phòng chính phủ, bao gồm văn phòng thống đốc và văn phòng thư kí bang.

Các bang đầu tiên bỏ phiếu vào ngày 14/12 là Indiana, Tennessee và Vermont - vào khoảng 10 giờ sáng (giờ Mỹ), các bang như Arizona, Georgia và Pennsylvania sẽ bỏ phiếu vào tầm trưa trong khi bang Wisconsin sẽ bỏ phiếu đại cử tri vào 1 giờ chiều, bang Michigan bỏ phiếu vào 2 giờ chiều.

Một khi số phiếu được xác nhận và ông Biden vượt mốc 270 phiếu, ông sẽ chính thức trở thành tổng thống đắc cử trong khi nghị sĩ Kamala Harris sẽ trở thành phó tổng thống đắc cử. Hai người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau.

Sau khi Đại cử tri Đoàn bỏ phiếu, các bang sẽ gửi phiếu tới Washington. Chủ tịch Thượng viện - trong trường hợp này là Phó Tổng thống Mike Pence - sau đó sẽ chính thức công bố những người chiến thắng.

Mặc dù tổng thống Trump vẫn tuyên bố rằng cuộc bầu cử này có gian lận và ông đã chiến thắng nhiệm kỳ thứ 2, nhưng ông Trump cho biết ông sẽ rời khỏi Nhà Trắng nếu thua trong cuộc bỏ phiếu của Đại cử tri Đoàn.

"Chắc chắn tôi sẽ làm vậy," ông nói.

Tuy nhiên, ông Trump nói thêm rằng: "Nếu Đại cử tri Đoàn bỏ phiếu cho Biden, thì họ đã sai lầm".

Đại cử tri có thể thay đổi phiếu bầu của họ. Từ năm 1948 tới nay, chỉ có 16 "Đại cử tri Bất trung" - trong năm 2016 đã có 7 người. Trong đó, 5 người chuyển phiếu từ bầu cho bà Clinton sang người khác; 2 người chuyển từ phiếu bầu cho ông Trump sang người khác.

2/3 các bang ở Mỹ có luật yêu cầu các đại cử tri bỏ phiếu cho những ứng viên mà họ đã cam kết bầu cho, trong số đó, 15 bang có hình phạt cho đại cử tri bất trung. Tòa án Tối cao đầu năm nay cho phép các bang trừng phạt các Đại cử tri Bất trung.

Khả năng chặn bỏ phiếu

Theo luật năm 1887, một thành viên quốc hội và một thượng nghị sĩ phải cùng nhau nộp đơn phản đối nếu muốn chặn kết quả bỏ phiếu đại cử tri. Thành viên đảng Cộng hòa Mo Brooks đã tuyên bố ý định này mặc dù chưa có thượng nghị sĩ nào lên tiếng sẽ cùng ông viết đơn phản đối.

Nếu ông Brooks tìm được "bạn đồng hành", việc đếm phiếu đại cử tri sẽ dừng lại. Hạ viện và Thượng viện sẽ thảo luận riêng biệt trong 2 giờ đồng hồ về việc dừng đếm phiếu ở bang có tranh chấp. Sau đó, Thượng viện và Hạ viện sẽ bỏ phiếu xem có hủy bỏ việc đếm phiếu đại cử tri hay không.

Hiện tại, đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số không quá áp đảo ở Thượng viện. Do đó, việc lượng viện đồng ý hủy phiếu bầu đại cử tri là "gần như bằng 0".

Từ năm 1887 tới nay, chỉ có 2 lần phiếu bầu Đại cử tri Đoàn bị phản đối, một lần vào năm 1969 do có một đại cử tri bất trung và một lần năm 2005 vì có hành vi bất thường ở Ohio. Cả 2 đơn phản đối này sau đó đều vô hiệu.

Theo Tất Đạt

Tổ Quốc

Trở lên trên