Bỏ phố về Đà Lạt mở quán cà phê: Thị trường bão hòa, có tháng không kiếm được đồng lời nào
Bỏ phố về quê mở quán cà phê “chill chill” là ước mơ của nhiều người. Tuy nhiên thực tế có thể khác hoàn toàn so với những gì bạn kỳ vọng.
- 01-08-2023Nghỉ hưu cầm tiền về quê xây nhà được 7 tháng, trước sau bị hàng xóm phàn nàn 4 lần: Tôi tan giấc mộng “bỏ phố”
- 15-07-2023Thanh niên 24 tuổi bỏ phố về quê khởi nghiệp với đam mê hoa sen
- 22-05-2023Mất sạch tiền trước ngày cưới, cô gái bỏ phố về quê khởi nghiệp làm nông, nuôi 1 con vật ai cũng hãi hùng, sau vài năm có hơn 18 tỷ đồng
Chi phí phát sinh gấp đôi, thu nhập kinh doanh cà phê thấp hơn đi làm văn phòng
Ngọc Dung (sinh năm 1993), quê ở Đà Lạt và đã làm việc, học tập tại TP Hồ Chí Minh từ năm 2011. Vào năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, cô về lại Đà Lạt làm online và sinh em bé. "Đầu 2022 công ty quy định làm việc offline trở lại, em bé của mình vẫn còn đang nhỏ quá, mình nhờ mẹ cùng đi TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ trong thời gian đầu. Tuy nhiên, đúng lúc đó ba mình phát bệnh nên mẹ không thể đi theo được. Vì lo lắng, không yên tâm thuê người trông trẻ, mình quyết định nghỉ việc văn phòng, ở lại Đà Lạt".
Bên cạnh đó, khoảng năm 2022 mặt bằng đường lớn nhà tại Đà Lạt được mở rộng phát triển. Vậy nên, Ngọc Dung quyết định tận dụng mặt tiền nhà kinh doanh quán cà phê. Dự tính ban đầu khi mở quán chỉ khoảng 300 triệu đồng, chi phí vận hành chạy quảng cáo những tháng đầu tiên khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, do đường xá được mở rộng kéo theo nhu cầu xây sửa nhà tăng. Vật giá tăng quá cao nên tính tới thời điểm hiện tại chi phí cố định khi mở quán cà phê đã phát sinh lên gần 600 triệu đồng.
Hơn thế nữa, trong 1 năm vận hành, do có vay mượn 300 triệu, lượng khách chưa ổn định, thu nhập bây giờ ít hơn rất nhiều so với khi Ngọc Dung còn đi làm văn phòng, thậm chí có những tháng không tính đến trả nợ, doanh thu chỉ vừa đủ cho chi phí vận hành.
"Mình muốn tiết kiệm chi phí nên không thuê nhân viên, thay vào đó tự đứng quầy order, pha chế. Nếu đông khách quá, mình nhờ thêm ba mẹ phụ bưng bê rửa dọn. Từ đó kéo theo khó khăn lớn nhất mình gặp phải là "gò bó thời gian", không có ai hỗ trợ trong trường hợp đột xuất vì chỉ mỗi mình biết pha chế. Một thời gian dài mình không dám đi ra ngoài vì sợ lỡ khách đến lại không ai làm. Có lần mình tranh thủ đi gội đầu, vừa xả nước, ba mình gọi điện báo khách đến, quấn khăn nguyên cái đầu ướt về pha chế. Sau này chồng mình sắp xếp được công việc, thỉnh thoảng hay ở nhà làm online nên mình hướng dẫn anh pha chế phụ, đỡ gò bó phần nào".
Một trong những khó khăn nữa là quán cà phê thi công vào mùa nắng nên thiết kế phần lớn là không gian ngoài trời mát mẻ, chan hòa với tự nhiên. Nhưng khi vừa vào mùa mưa gió, không gian trong nhà quá nhỏ nên khách lỡ đến vào ngày mưa mà hết chỗ phải ngồi ngoài thì sẽ rất lạnh. "Cái này do lỗi kinh nghiệm. Mình không biết và không tìm hiểu kỹ khi lên bản vẽ. Đến giờ mình vẫn chưa tìm được cách khắc phục hợp lý cho không gian ấm cúng hơn những ngày gió lạnh".
Về khoản nợ nần, Ngọc Dung và chồng đang dùng những khoản thu nhập khác để trả nợ. Hiện tại, chồng cô vẫn duy trì công việc ở TP Hồ Chí Minh và Ngọc Dung tranh thủ làm một số công việc online. Gia đình cô dành một phần thu nhập này để trả nợ.
Không gian hoà mình với thiên nhiên
Cần cân nhắc kỹ khi bỏ phố về quê, quyết định kinh doanh
Nói về câu chuyện bỏ phố về quê, Ngọc Dung cho rằng không phải ai cũng phù hợp với xu hướng này. Chỉ khi bạn có đủ lý do, đủ đam mê, bản lĩnh và tài chính mới nên quyết định như vậy. Không phải ai cũng dám đánh đổi công việc văn phòng ổn định, bước ra khỏi vùng an toàn để trải nghiệm cảm giác "bỏ phố về quê".
Cụ thể nói về cuộc sống ở Đà Lạt, ưu điểm lớn nhất là khí hậu mát mẻ, con người nhẹ nhàng, nhịp sống chậm rãi thoải mái. Tuy nhiên, theo Ngọc Dung, kiếm sống ở Đà Lạt khó hơn rất nhiều so với những thành phố lớn. Đà Lạt không đa dạng ngành nghề, thêm nữa vì là thành phố du lịch nên chi phí cho việc ăn uống vui chơi giải trí khá cao.
Mặt khác, khi nhắc đến bỏ phố về quê một số người cho rằng đó là quyết định khiến bạn có thể sẽ đi thụt lùi vì không có môi trường tiềm năng để phát triển. "Mình không nghĩ về quê làm cho mình thụt lùi so với người khác. Nếu bạn chịu khó, có ý chí cầu tiến, bỏ phố về quê chỉ là bạn thay đổi môi trường để học thêm những công việc mới, kỹ năng mới. Ngày xưa, ngày 8 tiếng mình ngồi máy tính đăng bài tuyển dụng kỹ sư IT, săn lùng kết nối ứng viên các web tìm việc. Còn bây giờ 15 tiếng mỗi ngày, ngoài công việc pha chế, mình còn học thêm kỹ năng sắp xếp, quản lý tài chính, kỹ năng tìm tòi sáng tạo làm nội dung quảng cáo trên các trang mạng xã hội, gặp gỡ giao tiếp được nhiều tệp khách hàng,... Mình chỉ thụt lùi chuyện ăn chơi, mua sắm, du lịch so với khi còn làm văn phòng. Vậy nên, mình nghĩ nếu ù lì lười biếng, dù ở quê hay thành phố, bạn cũng sẽ thụt lùi".
Mặt khác, có đôi lúc Ngọc Dung cảm thấy khá hối tiếc khi quyết định bỏ phố về quê mở quán cà phê. Những lúc quá mệt mỏi vì công việc không thuận lợi, nhìn bạn bè vui vẻ đi đây đó với gia đình, còn vợ chồng cô sống xa nhau nên cảm thấy tủi thân và hối hận. Song vợ chồng cô luôn động viên nhau cố gắng, nuôi suy nghĩ tích cực để vượt qua sự hối hận đó, hy vọng sẽ có một ngày thành công với lựa chọn của mình.
"Người trẻ cần chuẩn bị tinh thần thép cho việc bù lỗ thời gian đầu và một nguồn tài chính đủ để vận hành quán trong ít nhất 6 tháng đầu. Các bạn đừng nghĩ bỏ vốn 1 lần là đủ, khai trương xong là bắt đầu có lương. Một khi đã bắt tay vào làm sẽ có rất nhiều chi phí phát sinh. Hơn thế nữa, thị trường quán cà phê ở Đà Lạt đang bị bão hoà nên rất khó để cạnh tranh và thu hồi vốn. Do đó, hãy cân nhắc kỹ về mô hình kinh doanh với nguồn tài chính có sẵn", lời khuyên của Ngọc Dung cho những bạn trẻ cũng muốn kinh doanh quán cà phê.
Phụ nữ số