Bỏ phố về quê làm chủ: Người mất trắng 1 tỷ, người chỉ cầm 180 triệu lại biết cách "tiền đẻ ra tiền"
Bỏ phố về quê mở quán cafe, theo các chủ quán, mọi người nên suy nghĩ rất kỹ càng cũng như có kế hoạch cụ thể để hạn chế rủi ro.
- 06-03-2023Cặp đôi chủ shop nổi tiếng bỏ phố về quê xây nhà trồng cỏ dại, nhìn sơ đã thấy lắm tiền
- 03-03-2023Mất sạch 1 tỷ sau 2 năm bỏ phố về quê làm ông chủ
- 26-02-2023Bỏ phố về quê là quyết định sáng suốt nhất của tôi: Sau vài năm có được quá nhiều, đều là những điều vô giá
Bỏ phố về quê kinh doanh, mở quán cafe là câu chuyện không mới. Nhưng trước làn sóng sa thải, biến động nhân sự gần đây, chuyện về quê làm chủ lại trở thành đề tài được bàn tán. Dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng không phải ai cũng thành công khi về quê mở quán cafe. Không ít người đã mất toàn bộ vốn, thậm chí ôm nợ nần khi bỏ phố về quê để tập tành kinh doanh quán cafe.
Tưởng được làm ông chủ ai ngờ việc gì cũng đến tay
Nguyễn Hải Nam (27 tuổi) là người con gốc Bắc, học ở Hà Nội 4 năm rồi vào TP Hồ Chí Minh để làm việc. Sau đó, vì cảm thấy không còn phù hợp với môi trường công sở ngày đi làm 8 tiếng, cùng với áp lực bạn bè đã làm chủ nên cậu bạn quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp.
“Năm 2018, đánh dấu 1 năm thay đổi nhiều nhất trong cuộc sống của mình. Dồn hết tiền tiết kiệm, vay thêm ba mẹ 1 ít, mình gom được 1 tỷ đồng, và mạnh dạn về quê mở quán cafe. Hoài bão được làm 'ông chủ lớn' bắt đầu được thực hiện”.
Sau khi bỏ khoảng 250 triệu để cải tạo lại toàn bộ không gian quán và mua dụng cụ, đóng 100 triệu tiền mặt bằng trong 6 tháng, cậu bạn còn lại khoảng 650 triệu cho nhân sự và duy trì hoạt động kinh doanh trong 1 năm. Tính cụ thể tất cả các loại chi phí để quán hoạt động 1 cách "bình thường", cần tốn khoảng 80 triệu đồng/tháng. Khi đó Hải Nam thuê 2 pha chế, 3 phục vụ, 1 bảo vệ.
Nhưng doanh thu lại không thể bù vào chi phí đã bỏ ra khi mà có những ngày cậu bạn chỉ kiếm được vài trăm nghìn. Thậm chí đến năm thứ 2, Hải Nam đã bắt bớt các khoản chi phí, buộc phải cho nghỉ 1 pha chế và 1 phục vụ. Ngày nào có khách đông xíu, Hải Nam cũng xin chân đứng quầy luôn. “Nghĩ làm chủ, nhưng quán cứ thiếu vị trí nào là mình bù vào chỗ đó. Có hôm pha chế, hôm bưng bê như bồi bàn, cũng có ngày làm bảo vệ, quét sân,... vì chẳng có khách”.
Thời gian hoạt động của quán khoảng 2 năm. Giai đoạn chững là lúc dịch bệnh kéo đến, hơn 1 năm trời buộc phải đóng cửa quán không kinh doanh. Trong khi đó, tiền mặt bằng vẫn phải chi trả đều. Kinh tế đã khó khăn, mà tiền thuê mặt bằng lại tăng từ 16 triệu lên 19 triệu/ tháng. Cầm cự được khoảng 1 năm, Hải Nam quyết định đóng quán. Lý do lớn nhất là kinh tế chưa vững, còn lại thì là do cậu bạn không nhìn thấy tiềm năng phát triển quán trong 2-3 năm tới. Tính đến thời điểm sang nhượng quán, Hải Nam lỗ khoảng 200 triệu. Tiền vay nợ ba mẹ lúc trước cũng chưa trả xong.
Hải Nam rút ra nhiều bài học trong lần kinh doanh quán cafe này
Cũng giống như Hải Nam, Hoàng Tú (sinh năm 1993, Thanh Hóa) cho biết, tự kinh doanh rồi mới biết đâu là khổ... "2 năm đó quả thực dạy cho mình rất nhiều bài học, có lẽ còn nhiều hơn cả 7 năm đi làm thuê gộp lại".
Cậu bạn cùng những người anh em của mình đã quyết định mở quán cafe. Theo Hoàng Tú, cái khó khi kinh doanh không phải là không có tiền, mà là không có sức để làm thêm. Quán cafe có rất nhiều việc, nên nếu 1 người làm chủ quả thực là không kham nổi. Công việc chính của cậu bạn là thiết kế, thời điểm mở quán cafe mình không làm giờ hành chính nữa, bỏ việc về quê để làm online. Tuy nhiên, phải có tiền mới có thể duy trì quán, lúc nội bộ có vấn đề cậu bạn không thể phân thân để giải quyết vì vẫn còn những dự án thiết kế riêng cần hoàn thiện.
Thế là Hoàng Tú thuê thêm 1 người khác về để quản lý quán, và giao gần như toàn quyền để bạn đó hỗ trợ linh động nhất. 1 tuần Tú ra thăm quán 1 lần và kiểm tra đồ đạc, sổ sách. “Nhưng khó khăn là tụi mình không có chung định hướng dẫn đến quán hoạt động không theo ý, càng để lâu càng kém phát triển. Rồi cứ loay hoay 1 mình với công việc của quán, vừa phải xử lý dự án ngoài. Không có đội nhóm cùng kéo tinh thần nhau lên, nên cuối cùng mình phải từ bỏ quán. Vì thứ kiếm ra tiền bây giờ là các dự án, chứ không phải quán cafe”.
Thời điểm cố gắng giữ lại quán, Hoàng Tú cũng gặp 1 số vấn đề về tài chính, có vay mượn thêm người thân, bạn bè để bù lỗ. Nhưng nó không phải lý do sang nhượng quán, mà chỉ vì cậu bạn không thể kham nổi quá nhiều việc nữa.
Một số hình ảnh của quán cafe lúc đang hoạt động
Để "tiền đẻ ra tiền", bỏ phố về quê mở quán cà phê cần lưu ý 3 điều
Vợ chồng Xuân Thảo (sinh năm 1996) và Thành Tâm (sinh năm 1994) đã từ TP Hồ Chí Minh chuyển lên sống ở Đà Lạt được một thời gian. Tuy nhiên, hành trình về Đà Lạt của vợ chồng khá may mắn có gia đình, nhà cửa sẵn, nên thấy không có quá nhiều khó khăn để bàn.
Cũng giống như nhiều người bỏ phố về Đà Lạt khác, Xuân Thảo và Thành Tâm đã mở 1 quán cà phê khoảng 3 tháng trước. “Chúng mình bỏ ra khoảng 180 triệu cho tất tần tật các chi phí mở cà phê. Thực ra, tụi mình không phải là những người mạo hiểm, nên cũng không xem quán cà phê là nguồn thu nhập chính, một phần vì quy mô quán cũng nhỏ, một phần cũng vì đây là lần đầu tiên mở quán. Vậy nên, chồng mình vẫn dạy tiếng Anh, mình vẫn làm content freelance. Việc mở quán lần đầu giống như một bài học thực tế để hai đứa tự rút kinh nghiệm để sẵn sàng cho những quy mô lớn hơn, nhưng nói để thỏa đam mê cũng không sai”.
Không gian quán cả phê của Xuân Thảo và Thành Tâm
Vợ chồng Xuân Thảo và Thành Tâm đều xác định không thể đi làm công cả đời được, nên việc tự kinh doanh là quyết định phù hợp, nhất là khi chưa có con. Cô cũng chia sẻ rằng vì quy mô hiện tại của quán cũng nhỏ nhỏ. Có thể trong tương lai mở rộng quy mô, vợ chồng cô sẽ không duy trì công việc khác nữa.
Cùng với công việc chính, thu nhập của vợ chồng Xuân Thảo tăng hơn 1 nửa so với thời ở TP Hồ Chí Minh. Xuân Thảo cho rằng cần chuẩn bị 3 thứ khi quyết định về quê và kinh doanh khởi nghiệp, bao gồm tâm lý, người đồng hành và tài chính. Tâm lý vững vàng, sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì sẽ đến, phải tự xác nhận rằng con đường tự kinh doanh làm gì có chuyện dễ dàng, chỉ là bản thân chuẩn bị đến đâu và có dám bước qua những khó khăn hay không thôi.
Người đồng hành khá quan trọng. “Đây là người sẽ bổ trợ bạn những mặt còn thiếu sót, nói vui thì lỡ ngày nào ế khách, buổi tối còn có người đi ăn bánh tráng nướng nói chuyện đời cùng, chứ về nhà nằm một mình thì cô đơn lắm”.
Chuyện quan trọng cuối cùng là tài chính. Tiền nhiều đến mấy cũng hết. Do vậy, nếu bạn không có thật nhiều tiền, phải thận trọng, lên kế hoạch kỹ càng, làm trong khả năng cho phép, đừng bay quá, và nếu có thể hãy tạo thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau.
Ảnh: NVCC
Thể thao văn hóa