Bỏ phố về quê, những người trẻ ở quốc gia này đang làm "con cái toàn thời gian" để đổi lấy chỗ ăn ở miễn phí trong chính căn nhà của mình
Đây được gọi là những đứa trẻ boomerang. Họ tự đặt cho mình danh xưng là ‘con cái đầy đủ’ để cho thấy rằng đang làm tròn bổn phận hiếu thảo nhằm đổi lấy cuộc sống miễn phí.
- 06-05-2023Về già giữ được 2 khoản “vốn” này cuộc sống hưởng an nhàn, con cái bớt lo toan
- 04-05-2023Bỏ 70.000 USD mua căn nhà đổ nát, người đàn ông bất ngờ thu lãi gấp 80 lần: Chỉ một vết nứt trên tường tiết lộ cả một kho báu
- 03-05-2023Chuyên gia tâm lý tiết lộ lý do những người IQ cao thường có quyết định về tài chính ít thông minh
Angela Qian có 2 cách lý giải về lý do dẫu đã 29 tuổi nhưng cô vẫn đang sống với bố mẹ. Lý do đầu tiên cô đưa ra là bản thân đang có quyết định tài chính hợp lý trong khi tìm ra những cách tốt hơn cho sự nghiệp.
Năm 2017, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hành chính công tại ĐH Giao thông Tây Nam, Trung Quốc, cô đến Thâm Quyến để làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên công việc này không cho cô thỏa mãn về mặt tài chính cũng như nhu cầu cầu phát triển sự nghiệp.
Sau khi bỏ việc, cô trở về quê hương của mình để sống cùng với bố mẹ. Hiện Qian đang phụ giúp công việc gia đình trong thời gian kiếm một công việc trong cơ quan chính phủ. Cô tự mô tả mình là ‘con gái toàn thời gian và nó như một nghề thực sự’.
Nguyên nhân thứ 2 Qian đưa ra khi quyết định về sống với bố mẹ là bởi thường trở thành đối tượng bị săm soi tại các buổi họp gia đình. Người thân thường nghĩ rằng cô là người lười biếng và thiếu động lực.
"May mắn thay bố mẹ tôi khá cởi mở và luôn ủng hộ tôi bất cứ khi nào tôi cảm thấy khó chịu về những bình luận đó. Tuy nhiên tôi hiểu tại sao mọi người thường nghĩ mình là kẻ thua cuộc. Có thể đã gần 2 năm kể từ khi bỏ thành phố về quê, tôi hầu không đạt được bất kỳ bước tiến mới nào", Qian chia sẻ.
Làm tròn bổn phận hiếu thảo để đối lấy cuộc sống miễn phí
Thanh niên Trung Quốc, đặc biệt là những người đã học đại học và đến từ những vùng quê nghèo thường được khuyến khích rời quê hương để lên thành phố lập nghiệp.
Việc một người trẻ đã trưởng thành nhưng quay lại sống với bố mẹ thường bị kỳ thị và chỉ trích là ‘đứa trẻ boomerang’.
Song hiện nay ngày càng nhiều thanh niên như Qian trở về sống cùng với bố mẹ và phụ huynh của họ sẵn sàng chấp nhận điều đó. Những người này tự đặt cho mình danh xưng là ‘con cái đầy đủ’ để cho thấy rằng họ đang làm tròn bổn phận hiếu thảo để đổi lấy cuộc sống miễn phí.
"Bản thân hiện tượng này không phải là mới. Việc đảo ngược chuyển giao tài sản giữa các thế hệ (từ cha mẹ già sang con cái trưởng thành) trong cả khoản tiết kiệm và đóng góp lao động (ví dụ: ông bà chăm sóc cháu) là rất quan trọng đối với những người trẻ tuổi để thành lập gia đình riêng của họ", Biao Xiang, giáo sư nhân chủng học xã hội tại ĐH Oxford nhận định.
Một xu hướng mới của giới trẻ Trung Quốc
Qian cho biết cô không cảm thấy đơn độc khi đưa ra quyết định này. Bởi sau khi hỏi một vài bạn bè thân thiết cô nhận ra họ cũng đang trên ‘cùng con thuyền’ này với mình.
"Tôi có một một người bạn thân thời thơ ấu học rất giỏi. Trong suốt quãng đời học sinh cô ấy luôn có thành tích học tập đứng đầu lớp. Sau khi học xong cấp 3, cô được nhận vào ĐH Tongji. Gặp lại người bạn này vào đầu năm nay, tôi thực sự sốc khi cô ấy cũng đang làm điều tương tự như tôi", Qian chia sẻ.
Đối với Qian, trước khi tính đến các yếu tố khác, quyết định trở về nhà trước hết có ý nghĩa về tài chính.
Trước khi trở về quê, Qian làm việc tại một công ty công nghệ khởi nghiệp ở Thâm Quyến với mức lương khoảng 7.000 NDT/tháng. Cô cho biết một nửa số tiền lương cô cùng để chi trả tiền thuê nhà. Dẫu không tiết kiệm được đồng nào song cô cảm thấy yêu thích cuộc sống ở thành phố này, nơi được gọi là Thung lũng Silicon ở Trung Quốc.
Tuy nhiên kể từ dịch Covid-19 ập đến, phần lớn doanh nghiệp phải đóng cửa, hoặc cắt giảm lương, Qian đã quyết định thu dọn hành lý và trở về quê sống cùng bố mẹ.
Qian cho biết ban đầu cô khá do dự khi đề xuất ý tưởng bởi sợ rằng "bố mẹ sẽ thất vọng và coi tôi là kẻ thất bại". Tuy nhiên trái ngược với suy nghĩ của cô, cha mẹ của Qian lại nhiệt tình ủng hộ quyết định này của con gái.
Cha mẹ ủng hộ con bỏ phố về quê
Huang, 33 tuổi, tốt nghiệp một trường ĐH danh giá ở Bắc Kinh vào năm 2013. Sau khi ra trường anh làm việc tại một tập đoàn thương mại điện tử. Từ kỹ sư, anh thăng tiến lên vị trí quản lý dự án. Bất chấp mức lương đáng ghen tị và những đặc quyền hấp dẫn mà công ty đưa ra, Huang vẫn khó chịu với công việc của mình. Điều này liên quan đến thời gian làm việc gò bó, liên tục bị thúc ép phải thể hiện tốt hơn, dẫn đến tình trạng căng thẳng lâu dài.
Sau khi công việc chuyển sang làm từ xa kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Huang gần như bị chôn chân tại nhà. Điều này càng làm trầm trọng thêm cảm giác cô đơn và gia tăng sự hoài nghi về bản thân mình. "Xã hội kỳ vọng tôi sẽ mua một căn hộ, kết hôn, sinh con và có một cuộc sống điển hình của tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu. Tuy nhiên để đạt được điều này tôi phải làm việc chăm chỉ hơn và có lẽ cần đến sự hỗ trợ tài chính từ gia đình", anh nói.
Đầu năm ngoái, khi thể chất và tinh thần kiệt quệ, Huang đã từ bỏ tất cả để trở về Lạc Dương sống cùng bố mẹ. Giống như Qian, khi chuyển về quê, anh được cha mẹ đón nhận với sự thấu hiểu và động viên. "Họ đã thấy tôi phải đấu tranh tinh thần nhiều đến như thế nào và đồng ý đây là quyết định tốt nhất cho tôi", Huang chia sẻ.
Không muốn từ bỏ sự nghiệp rực rỡ ở Bắc Kinh, ban đầu anh coi việc di chuyển nơi ở này là giải pháp tạm thời cho tình hình hiện tại. Tuy nhiên, hiện tại anh đang xem xét việc sắp xếp cuộc sống ở đây lâu dài.
Ở quê nhà, một ngày bình thường của Huang bắt đầu bằng việc nấu bữa sáng cho bố mẹ mình, những người còn vài năm nữa sẽ nghỉ hưu. Sau đó, anh thực hiện nhiều công việc khác như dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, đi chợ, chuẩn bị bữa ăn và dắt chó đi dạo. Hầu như ngày nào, Huang cũng đến viện dưỡng để thăm ông bà, những người mà trước đây anh chỉ gặp khoảng 2 lần/năm. Anh cũng lập kế hoạch giải trí cho gia đình, lên lịch cho các hoạt động cuối tuần, đôi khi là những chuyến đi dài ngày.
"Ngoài áp lực kinh tế ngày càng tăng khi sống ở các thành phố lớn và cơ hội việc làm cạnh tranh khắc nghiệt, một số bậc cha mẹ đang dần cởi mở hơn về lựa chọn lối sống của con cái họ", giáo sư Biao cho biết.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh kỳ vọng của cha mẹ Trung Quốc cũng rất phức tạp. Hầu hết họ đều mong con mình thành công. Tháng 7/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên đến 19,9%, cao nhất kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu công bố chỉ số vào tháng 1/2018 chỉ ở mức 9,6%.
Qian nhận thức sâu sắc về trường hợp của mình. Trước khi rời khỏi lực lượng lao động, cô đã nghe nhiều đồng nghiệp trong công ty có cùng chia sẻ về việc không hài lòng với thu nhập và cuộc sống hiện tại.
"Nhưng tất cả đều lo lắng nếu nghỉ việc, họ sẽ không thể tìm được công việc khác trong thị trường đầy cạnh tranh này", cô nói.
Theo The China Project
Nhịp sống thị trường