Bổ sung nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ
Nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình củng cố sản xuất và lực lượng lao động song song với cải tiến công nghệ để sẵn sàng bứt phá khi thị trường tốt trở lại
- 27-11-2022THACO muốn đầu tư khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ 26.000 tỷ đồng ở Bình Dương
- 12-08-2022Đề xuất sửa luật thuế để phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ
- 23-07-2022Đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp chuyển đổi năng lượng
Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục đà tăng trưởng trong tháng 11. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, IIP 4 ngành trọng điểm ước tăng tới 21,7%.
Nhiều doanh nghiệp "khát" lao động
Theo đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất - kinh doanh, khắc phục khó khăn để chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023.
Càng về cuối năm, nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để phục vụ sản xuất - kinh doanh trong nước lẫn xuất khẩu càng tăng cao. Ông Trần Minh Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Kềm Nghĩa, cho biết công ty đang có kế hoạch tăng sản lượng từ 31.000 sản phẩm/ngày lên 40.000 sản phẩm/ngày nên cần tuyển thêm 500 lao động. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay chỉ mới tuyển được 400 người, còn thiếu 100 người cả lao động phổ thông lẫn trình độ cao.
Công nhân làm việc tại Công ty CP Kềm Nghĩa
Công ty CP Sản xuất Thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi cũng cần lao động có tay nghề để đáp ứng kế hoạch tăng sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho các công trình trọng điểm ở Nhật, Singapore... Ông Lê Mai Hữu Lâm, tổng giám đốc công ty, cho hay để chủ động nguồn lao động, công ty thường xuyên liên kết với các trường đại học, cao đẳng nhận sinh viên đến thực tập (có trả lương) để đào tạo và tuyển dụng những sinh viên này vào làm.
Tuy nhiên, trong lúc nhu cầu về lao động có tay nghề tại TP HCM đang rất lớn thì các DN, đặc biệt là DN công nghiệp hỗ trợ, lại đang phải đối mặt tình trạng "chảy máu chất xám" lao động tay nghề cao. Ông Lưu Đình Thịnh, Giám đốc tiếp thị kinh doanh Công ty TNHH CNS Amura, cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác, sở hữu một số máy móc, thiết bị hiện đại bậc nhất Việt Nam nên rất cần công nhân tay nghề cao vận hành máy. "Chúng tôi mất tối thiểu 6 tháng để đào tạo công nhân đứng máy, mỗi năm tiếp tục đào tạo nâng cao thêm 3 tháng, đãi ngộ tốt nhưng vẫn không tránh khỏi mất người do những DN khác sẵn sàng trả lương cao để lôi kéo lao động" - ông Thịnh phản ánh.
Cần giải pháp tạo nguồn
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) dự báo 3 tháng cuối năm 2022, các DN trên địa bàn cần khoảng 69.500 - 77.100 lao động. Hầu hết DN có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, đã qua đào tạo. Theo FALMI, giai đoạn 2022 - 2026, TP HCM tập trung phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, những ngành sử dụng nhiều lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, công nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ và thiết bị hiện đại. Thành phố sẽ tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng điểm với nhu cầu nhân lực chiếm 23,22% tổng nhu cầu lao động hằng năm giai đoạn 2022 - 2026. Dự báo, mỗi năm TP HCM có khoảng 271.510 - 322.897 chỗ làm việc.
Các chuyên gia kinh tế nhận định nguồn nhân lực là một trong những thành tố quan trọng để đưa 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP HCM phục hồi và phát triển mạnh trong thời gian tới. Để đạt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực bền vững cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của DN, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển nhân lực, việc làm, giáo dục - đào tạo; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng mở, hội nhập. Bên cạnh đó, DN phải luôn xem người lao động là người đồng hành, cùng tạo dựng sự thành công và phát triển của DN.
Người lao động