MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến dự toán ngân sách nhà nước năm 2019

Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội đang được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến có đưa dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2019 khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2018…

Thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) trình Quốc hội trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 để xin ý kiến rộng rãi. Báo cáo nhằm cung cấp các thông tin về ngân sách nhà nước đến các tổ chức, cá nhân một cách kịp thời, tạo điều kiện cho việc tham gia, góp ý và giám sát quá trình lập dự toán, phân bổ ngân sách nhà nước năm 2019.

Bản báo cáo Bộ Tài chính công khai gồm 4 phần: Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2018; Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2019-2021; Phụ lục số liệu về ngân sách nhà nước thực hiện năm 2018 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 - Ảnh 1.
Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội đang được Bộ Tài chính công khai lấy ý kiến có đưa dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2019 khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2018.

Theo đó, dự toán NSNN năm 2019 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8%; giá trị GDP dự kiến khoảng 6,17 triệu tỷ đồng; giá dầu thô khoảng 65 USD/thùng.

Trên cơ sở đánh giá thu NSNN năm 2018, dự kiến các chỉ tiêu vĩ mô năm 2019, đồng thời có tính đến yếu tố tác động điều chỉnh chính sách thu, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2019 khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2018. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 23%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 20%GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa 1.173,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,2% tổng dự toán thu NSNN, không kể các khoản thu không ổn định và không phải đặc trưng của sản xuất – kinh doanh trong nước (thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thu từ bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng nhà nước), thì dự kiến khoảng 945 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với ước thực hiện năm 2018, là mức tích cực so với tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% và cao hơn tốc độ tăng thu thuế, phí vài năm trở lại đây (năm 2016 tăng 11,4%, năm 2017 tăng 8,9%).

Dự toán thu dầu thô: 44,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng dự toán thu NSNN, trên cơ sở sản lượng dầu khai thác là 10,43 triệu tấn, giá dự toán 65 USD/thùng.

Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 189,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng dự toán thu NSNN. Dự toán thu viện trợ 4 nghìn tỷ đồng.

Bội chi NSNN năm 2019 là 222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP. Đến hết năm 2019, dự kiến nợ công bằng khoảng 61,3%GDP, nợ Chính phủ bằng khoảng 52,2% GDP, nợ nước ngoài quốc gia bằng khoảng 49,9% GDP.

Với mức thu và bội chi NSNN như trên, dự kiến tổng chi cân đối NSNN năm 2019 là 1.633,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so dự toán năm 2018.

Dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ chủ yếu như: Chi đầu tư phát triển: 429,3 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% tổng chi NSNN, tăng 7,4% so dự toán năm 2018. Chi trả nợ lãi 124,8 nghìn tỷ đồng, bằng 7,6% tổng chi NSNN, tăng 11% so với dự toán năm 2018. Chi viện trợ 1,3 nghìn tỷ đồng, bằng với dự toán năm 2018.

Chi thường xuyên (bao gồm cả chi tạo nguồn cải cách tiền lương và tinh giản biên chế) 1042,8 nghìn tỷ đồng, bằng 63,8% tổng chi NSNN, tăng 6,8% dự toán năm 2018. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 100 tỷ đồng, bằng dự toán năm 2018.

Dự phòng NSNN 33,8 nghìn tỷ đồng, bằng 2,1% tổng chi NSNN, trong đó dự phòng NSTW là 16 nghìn tỷ đồng, dự phòng NSĐP là 17,8 nghìn tỷ đồng; đảm bảo mức tối thiểu theo Luật NSNN.

9 nhóm giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2019

Dự thảo dự toán NSNN trình Quốc hội cũng đưa ra 9 nhóm giải pháp để có thể hoàn thành dự toán đưa ra.

Một là, tiếp tục thực hiện quyết liệt Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hai là, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Ba là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.

Bốn là, tiếp tục quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2019 và kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2019-2021. Xây dựng và triển khai dự toán NSNN gắn với chiến lược và định hướng phát triển trong từng thời kỳ, đảm bảo tính bền vững của NSNN, xác định được thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn NSNN đối với từng ngành, lĩnh vực.

Năm là, kiên định thực hiện quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Sáu là, tiếp tục phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt thị trường tài chính và dịch vụ tài chính.

Bảy là, tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Tám là, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công.

Chín là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo Minh Thư

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên