MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính đề xuất phương án sửa quy định trần lãi vay: Vì sao bỏ ngỏ việc hồi tố số thuế đã nộp tạm?

06-03-2020 - 10:37 AM | Doanh nghiệp

Mặc dù ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp không phản đối hồi tố nhưng trong tờ trình gửi Chính phủ ngày 20/2, Bộ Tài chính đã quyết định bỏ quy định hồi tố.

Sau một thời gian dài được hàng nghìn doanh nghiệp mong ngóng, dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã được Bộ Tài chính hoàn tất.

Mặc dù Nghị định 20 đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong công tác chống chuyển giá, tăng thu hàng chục nghìn tỷ cho ngân sách nhưng quy định khống chế trần lãi vay ở mức 20% theo khoản 3 Điều 8 đã làm nảy sinh nhiều vướng mắc bất cập tạo gánh nặng chi phí không đáng có cho nhiều Tập đoàn, Tổng công ty có hoạt động trung chuyển vốn, cho vay lại giữa các thành viên trong tập đoàn.

Trên cơ sở thực hiện nghị quyết của Chính phủ và lấy ý kiến của các bộ, ngành, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án sửa đổi theo đó trần lãi vay ròng (lãi vay trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) được nâng từ 20% lên 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay ròng cộng khấu hao – tức 30% EBITDA nhưng không bao gồm lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh chính.

Quy định sửa đổi này được số đông đánh giá sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và không trái với thông lệ quốc tế. Nhưng một vấn đề quan trọng vẫn còn bỏ ngỏ là liệu các khoản thuế đã nộp do quy định "bất cập" trước đây liệu có được hồi tố?

Trong ý kiến thẩm định đối với dự thảo, Bộ Tư pháp đã đề nghị xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức, cá nhân; có cơ chế thống nhất chung trong việc thực hiện khoản 3 điều 8 mà không phân biệt những trường hợp đã thanh tra, kiểm tra hay chưa thanh tra, kiểm tra.

Mặc dù ý kiến thẩm định không phản đối hồi tố nhưng trong tờ trình gửi Chính phủ ngày 20/2, Bộ Tài chính đã quyết định bỏ quy định hồi tố. Theo đó Nghị định sửa đổi áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 mà không xác định lại chi phí lãi vay đã áp dụng theo khoản 3 điều 8.

Nhiều ý kiến chuyên gia từ lâu đã nhận định sửa trần lãi vay lên 30% thì cần áp dụng tính hồi tố về năm 2017 khi ban hành Nghị định này vì riêng tiền thuế 2017 và 2018 cũng khiến doanh nghiệp "sống dở chết dở", hoặc từ lãi chuyển sang lỗ. Phương pháp có thể cho khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm.

Việc "hồi tố" theo các doanh nghiệp sẽ tránh được nguy cơ thuế chồng thuế. Bởi theo Nghị định 20, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

Với kỳ vọng sẽ được hồi tố tiền thuế đã nộp để giảm bớt khó khăn đang gặp phải, trong nửa đầu năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập vào báo cáo tài chính tổng hợp những năm trước lũy kế đến 31/12/2018 với số tiền 335,3 tỷ đồng liên quan đến Nghị định 20.

Nếu phương án không hồi tố được "chốt" thì theo như ý kiến loại trừ của kiểm toán, HAGL sẽ phát sinh thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành khoảng 155 tỷ đồng và lỗ lũy kế tăng thêm 491 tỷ đồng. Đây là một gánh nặng tài chính không đáng có khi mà HAGL đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ lớn trong nhiều năm gần đây do quá trình tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh.

Và không chỉ riêng Hoàng Anh Gia Lai,  nhiều doanh nghiệp khác cũng mong mỏi ngành thuế có sự sửa đổi thấu đáo hơn để tháo gỡ hàng tỷ đồng tiền thuế đang bị treo từ năm 2017, khi kỳ quyết toán thuế năm 2019 (hạn 31/3/2020) đã đến gần và cộng đồng còn đang phải đối mặt với khó khăn đình trệ kinh doanh, sản xuất do dịch Covid 19.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên