Bộ Tài chính điểm tên hơn 1.000 dự án chậm tiến độ, lãng phí
Hơn 1.000 dự án chậm tiến độ; dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng đã được Bộ Tài chính điểm tên. Các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý trách nhiệm để không tái diễn tình trạng lãng phí nguồn lực.
Thu hồi dự án chậm tiến độ, lãng phí
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 74 năm 2022 của Quốc hội về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có nội dung về xử lý dự án chậm tiến độ, lãng phí.
Theo báo cáo, việc phân loại để: Xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm, tiêu cực, tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí. Xử lý 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; Xử lý 19 dự án chậm triển khai, gặp khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
“Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan dự án không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án, tránh thất thoát, lãng phí”, báo cáo nêu rõ.
Đối với 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí, cơ quan chức năng đã chấm dứt 2 dự án tại Kiên Giang gồm: Dự án Bệnh viện Sinh thái 500 giường và Dự án Trung tâm hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Trước đó, năm 2018, dự án Bệnh viện Sinh thái 500 giường có diện tích 10 ha tại khu phức hợp Bãi Trường (xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc) được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm tiến độ, dự án bị thu hồi theo quy định.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 dự án chậm triển khai, gặp vướng mắc để đất đai hoang hoá gồm: Dự án Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Đông Nam bộ (Bà Rịa -Vũng Tàu) và dự án Cảng Quốc tế Sao Biển. Dự án Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm chủ đầu tư với diện tích trên 2,1 ha và nhận bàn giao đất từ năm 2007. Tuy nhiên, sau gần 15 năm, khu đất này chỉ hoàn thiện được... tường rào kiên cố, chưa xây dựng công trình.
Cùng cảnh, dự án Cảng Quốc tế Sao Biển (Phú Mỹ) bị chậm tiến độ. Vốn được xây dựng với chức năng bến cảng tổng hợp, container Dự án Cảng Quốc tế Sao Biển diện tích 68 ha với chiều dài cầu cảng khoảng 900 m. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng từng gia hạn thời hạn sử dụng đất để chủ đầu tư dự án thực hiện.
Lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ, đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, địa phương thiếu quỹ đất sạch để bố trí cho hộ dân bị thu hồi nhà ở, đất ở; khó khăn về giá bồi thường.
Các bộ, ngành, địa phương đang xử lý: 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Với 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, cơ quan chức năng đã chấm dứt hoạt động 22 dự án, quyết định thu hồi đất đối với 126 dự án, gia hạn tiến độ sử dụng đất 93 dự án; rà soát để thu hồi đất 25 dự án...
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Đánh giá về tình trạng dự án chậm tiến độ, lãng phí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối của xã hội, gây lãng phí tài sản quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Theo ông Long, nhu cầu nguồn lực lớn nhưng khoản vốn đọng tại các dự án không thực hiện. Bộ Tài chính sau khi đưa ra danh sách cần xử lý triệt để, quy trách nhiệm người đứng đầu, để xảy ra hiện tượng như trên.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để xảy ra chậm tiến độ, dự án không những không hiệu quả, thậm chí âm vốn mà còn trở thành gánh nặng.
“Việc xử lý trách nhiệm để dự án chậm tiến độ là bài học có tính răn đe người thực hiện sau không lặp lại tình trạng tương tự. Từ đó, thúc đẩy hiệu quả nguồn vốn đầu tư”, ông Đinh Trọng Thịnh đề xuất.
Tiền Phong