Bộ Tài chính khẳng định không làm chậm giải ngân vốn ODA
Với hai nhiệm vụ kiểm soát chi và giải ngân, Bộ Tài chính cho rằng sự chậm chạp trong giải ngân vốn ODA không nằm ở phía mình.
- 01-11-2016Chậm giải ngân vốn ODA
- 20-08-2015Năm 2015: Vốn đối ứng không còn là trở ngại của việc giải ngân vốn ODA?
- 11-08-2015TP. Hồ Chí Minh: Giải ngân vốn ODA dự án trọng điểm tốc độ “sên bò”
Tại buổi thảo luận đầu tiên ở Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và quyết toán ngân sách nhà nước ngày 25/5, việc giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề “nóng” khi gần 10 đại biểu đề cập đến nội dung này. Số liệu giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2017 chỉ được 86,8%, vốn trái phiếu Chính phủ cũng mới đạt 45% kế hoạch. Giải ngân 4 tháng đầu năm nay tiếp tục ở mức 16,4% dù đã được cải thiện trong tháng 4.
“Có một nghịch lý là trong khi Chính phủ, bộ, ngành ra sức tìm biện pháp tăng huy động vốn thì tốc độ giải ngân đầu tư công lại ngày càng chậm. Đây là sự lãng phí lớn”, đại biểu Vũ Tiến Lộc đồng thời là Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Tại cuộc họp báo chuyên đề cùng ngày về Tăng cường kỷ luật kỷ cương Ngân sách nhà nước do Bộ Tài chính tổ chức, bên cạnh những vấn đề nổi cộm như các sai phạm nộp thuế bị phát hiện, giải pháp giảm chi thường xuyên…, câu chuyện về vốn đầu tư công từ việc chậm giải ngân đến hiện tượng một loạt dự án đội vốn đã được mổ xẻ.
Nói về lý do giải ngân vốn cơ bản nhiều năm nay không đạt như mong đợi của Chính phủ, ông Hoàng Hải - Phó cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết một trong các nguyên nhân là khó linh hoạt trong điều chỉnh dự toán.
“Trước năm 2015, việc giải ngân không dựa trên dự toán mà theo tiến độ triển khai dự án. Chính phủ vì vậy luôn phải giải thích với Quốc hội lý do quyết toán khác xa dự toán. Luật NSNN năm 2015 ra đời và áp dụng từ 2016 trở đi đã yêu cầu mọi khoản giải ngân ODA phải theo dự toán Quốc hội giao”, ông Hải nhắc lại.
Vướng mắc khi thực hiện nằm ở chỗ việc ra dự toán nếu thay đổi sẽ khó khăn khi điều chỉnh. Vốn ODA ưu đãi cũng như vốn đầu tư công vì vậy không dễ để chuyển tiền giải ngân chậm từ địa phương này sang địa phương hay từ Bộ này sang Bộ khác.
Theo ông Hải, việc điều chỉnh dự toán phải được thực hiện theo pháp luật. Giải pháp cần làm là xây dựng dự toán sát hơn. Trách nhiệm này thuộc về chủ dự án để khi trình có thể báo cáo Chính phủ rồi sau đó Chính phủ đưa ra Quốc hội con số chính xác.
Ngoài ra, với vốn vay ODA, Bộ này cũng cho biết đang cùng một số bộ ngành nghiên cứu, trong đó Bộ KHĐT được Chính phủ giao sửa đổi Nghị định 16 về nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đã để hướng đến linh hoạt trong chuyển đổi vốn ODA nhằm đảm bảo tiến độ tốt nhất hoàn thành các dự án.
Bộ Tài chính có hai nhiệm vụ. KBNN có nhiệm vụ kiểm soát chi, còn Bộ Tài chính kiểm soát giải ngân đã được quy định. Các bước kiểm soát chi, giải ngân đều được quy định rõ và đến nay Bộ Tài chính tuân thủ.
Do đó, Phó cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại khẳng định không có chuyện chậm trễ từ Bộ Tài chính dẫn đến chậm giải ngân vốn vay ưu đãi.
Trong các dự án đầu tư, ngoài việc vốn rót về chậm còn là vấn đề “đội vốn”. Việc tổng vốn đầu tư tăng so với phê duyệt ban đầu, theo Bộ Tài chính, thẩm quyền trách nhiệm thuộc về các đơn vị cơ quan tư vấn thẩm tra dự án đầu tư.
“Việc thực thi của từng cấp trong dự án đầu tư đã gắn rõ trách nhiệm. Nếu phát hiện sai phạm cá nhân tập thể nào sẽ chịu trách nhiệm với pháp luật”, ông Lê Tuấn Anh - Vụ Phó Vụ Đầu tư nói.
Có ý kiến cho rằng đâu đó tại các địa phương xuất hiện tình trạng chủ đầu tư đưa ra các dự án đầu tư thấp để được thông qua. Ông Tuấn Anh thừa nhận thực tế có những hiện tượng như vậy nhưng cũng cần phân tích đầy đủ. Bởi theo ông vẫn có thể điều chỉnh dự án nếu đúng quy định của luật Đầu tư công và luật Xây dựng.
Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm. Có thể đến từ khâu chuẩn bị dự án của chủ đầu tư không đảm bảo yêu cầu, tính thực tiễn, sơ sài, thiếu thực tế, khảo sát không tốt. Khâu thẩm định cơ quan chuyên môn hỗ trợ ra quyết định đầu tư chưa đạt chất lượng, không phát hiện được vấn đề khi đi vào thực tiễn mới phát sinh. Khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian từ đó GPMB chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài... hay sự thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện.
Để hạn chế việc các dự án “đội vốn”, theo ông Lê Tuấn Anh các cấp thực hiện các cấp thực hiện nghiêm túc đúng quy định khi triển khai dự án. Bên cạnh đó, cũng cần có các biện pháp tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư; giám sát, kiểm tra nghiêm túc, và có chế tài xử lý mạnh.
“Quá trình quyết định/ lựa chọn dự án cần có phản biện độc lập từ cơ quan, người dân về sự cần thiết, tiến độ dự án để người có thẩm quyền có thêm thông tin hữu ích trong việc ra quyết định”, ông Tuấn Anh cho hay.
Thực thi đúng tiến độ vốn đầu tư công cũng như chi đầu tư phát triển là một trong các yếu tố đảm bảo kỷ cương ngân sách nhà nước. Trước nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này, đây dự kiến là một trong các nội dung mà người đứng đầu Bộ Tài chính - Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng phải làm rõ trước đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 26/5.
Theo kế hoạch, trong buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Người đồng hành