MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính lấy ý kiến nhiều nghị định về quản lý nợ công

Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang tổ chức hội thảo lấy ý kiến các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công tại Ninh Bình.

Tại đây, đại diện các cơ quan giám sát của Quốc hội; các cơ quan quản lý như Văn phòng chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước; các cơ quan, đơn vị sử dụng nợ công, các cơ quan cho vay lại và nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính thảo luận, góp ý đối với 4 dự thảo các Nghị định liên quan đến nghiệp vụ quản lý nợ công; sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy trả nợ; cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ; cho vay lại nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết việc ban hành Luật đáp ứng yêu cầu quản lý nợ bền vững, an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, đặc biệt khi Việt Nam đã chuyển thành quốc gia có thu nhập trung bình thì nguồn vốn ODA trong thời gian tới sẽ giảm dần và kết thúc, thay vào đó là các nguồn vốn vay với điều kiện gần với điều kiện thị trường.

Việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công đã cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý đặt ra trong tình hình mới, cụ thể là thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững.

Để hướng dẫn Luật Quản lý nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng dự thảo 6 Nghị định, hướng dẫn chi tiết các nội dung về: nghiệp vụ quản lý nợ công; trái phiếu Chính phủ; cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ; quản lý Quỹ tích lũy trả nợ và; quản lý nợ của chính quyền địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng 1 Nghị định liên quan tới quản lý vốn ODA, vay ưu đãi.

Đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Ban soạn thảo để dự thảo nội dung các Nghị định, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Dự thảo các Nghị định cũng đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi.

Được biết, trong quá trình soạn thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng  tham vấn ý kiến của các chuyên gia quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), ADB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các chuyên gia độc lập trong nước về kinh nghiệm tốt đối với quản lý nợ công. Bộ Tài chính cũng đã tổ chức Hội thảo về nội dung phát hành trái phiếu Chính phủ và quản lý nợ của Chính quyền địa phương.

Ông Aaron Batten - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng ADB đánh giá thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp để thay đổi quá trình quản lý nợ công tại Việt Nam theo hướng tăng cường vai trò quản lý, đặc biệt là trong xây dựng các hệ thống cơ quan của Chính phủ để tăng cường sự minh bạch hơn nữa. Rõ ràng, các địa phương cũng có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong quá trình cho vay lại và trả nợ, đảm bảo tính bền vững của nợ cũng như tăng cường mối quan hệ với các đối tác quốc tế.

“Đó là sự đổi mới rất tham vọng của Chính phủ Việt Nam. ADB hy vọng có thể hỗ trợ hết mức để Chính phủ Việt Nam thực hiện những đổi mới này”, ông Aaron Batten chia sẻ.

Về Luật Quản lý nợ công, ADB cho rằng tiến độ triển khai các văn bản hướng dẫn đang được đảm bảo khá tốt. Tuy nhiên, để hoàn thiện vẫn còn khá nhiều thách thức cần phải giải quyết. Ví dụ như làm thế nào để quản lý tốt các khoản nợ, làm thế nào để xem xét những vấn đề này trong Chương trình quản lý nợ công trung hạn, làm thế nào sắp xếp thể chế để quản lý nợ công tốt hơn hay xác định vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ một cách rõ ràng hơn…


Theo Huy Thắng

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên