MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính: Nợ đọng thuế lên đến gần 83.000 tỷ đồng

Số nợ thuế có khả năng thu hồi tính đến cuối tháng 3/2019 chiếm tỷ trọng 35,2% tổng số tiền thuế nợ. Số nợ tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế, chiếm tỷ trọng 19,4% tổng số tiền thuế nợ.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết tổng số tiền thuế nợ thời điểm ngày 31/3/2019 là 82.972 tỷ đồng, tăng 8,7%, tương ứng 6.644 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2018.

Hết năm 2018, cơ quan thuế đã thu nợ được 7.450 tỷ đồng, bằng 19,2% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày. Trong đó, bằng biện pháp quản lý nợ là 5.608 tỷ đồng, biện pháp cưỡng chế nợ là 1.842 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, số nợ thuế có khả năng thu hồi tính đến cuối tháng 3/2019 chiếm tỷ trọng 35,2% tổng số tiền thuế nợ. Số nợ tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế, chiếm tỷ trọng 19,4% tổng số tiền thuế nợ. Còn lại số nợ đọng không có khả năng thu hồi chiếm tỷ trọng 45,4% tổng số tiền thuế nợ.

Bộ Tài chính cho biết số nợ đọng lớn và tăng lên chủ yếu là số nợ đọng không có khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh) và tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuế tăng lên.

Nguyên nhân, theo Bộ Tài chính, một bộ phận người nộp thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp mới tham gia hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, lựa chọn ngành nghề không phù hợp với nhu cầu thị trường, nguồn vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay ngân hàng, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, không còn tiền, tài sản hoặc tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng, dẫn đến không nộp được được ngay, nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào NSNN.

Các doanh nghiệp này chấm dứt hoạt động kinh doanh, tự giải thể, phá sản, đi khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Mặc dù cơ quan thuế đã phối hợp với các bên liên quan xác minh thông tin người nộp thuế và đã thông báo công khai người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh hoặc đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế.

Mặt khác, theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định sẽ bị tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày trên số tiền thuế chậm nộp, không phân biệt số nợ còn đối tượng để thu hay nợ không còn đối tượng để thu, người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, đã bị thu hồi đăng ký kinh doanh. 

Điều này dẫn đến hiện nay số tiền chậm nộp thuế tính trên số nợ không còn khả năng thu ngân sách không ngừng tăng lên, trong khi thực tế các khoản nợ gốc này đã không có khả năng thu. Việc tính tiền chậm nộp thuế này đã làm tăng thêm số nợ khó đòi trên sổ sách theo dõi của cơ quan thuế, tạo áp lực cho cơ quan quản lý thuế…

Ngoài ra, trong quý I/2019 số nợ thuế tăng thêm là do một số người nộp thuế thực hiện kê khai quyết toán thuế TNDN, TNCN nhưng chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về thuế, chây ì không nộp thuế đúng hạn làm nợ thuế tăng thêm, cơ quan thuế xử phạt, tính tiền chậm nộp tăng thêm.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên