Bộ Tài chính rà soát giá hàng hóa 'đứng im' không chịu giảm
Trước thực tế giá xăng dầu giảm sâu trong khi giá hàng hóa gần như đứng im, Bộ Tài chính cho biết, đang phối hợp với bộ chuyên ngành rà soát và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý.
- 01-08-2022Giá xăng dầu giảm mạnh, Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ
- 25-07-2022Giảm giá xăng dầu – Vì đâu giá hàng hóa chưa “hạ nhiệt”?
- 25-07-2022Giá hàng hóa vẫn leo thang, bất chấp xăng lao dốc
Xử lý nghiêm việc tăng giá bất hợp lý
Ngày 3/8, Bộ Tài chính có thông cáo báo chí về vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của bộ. Vấn đề đầu tiên Bộ Tài chính lên tiếng là việc giá xăng dầu liên tiếp giảm nhưng giá hàng hóa vẫn đứng im.
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng trong nền kinh tế. Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải.
Tháng 7/2022, mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh trong nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng. Việc hàng hóa tăng giá do giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ. Một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm....
Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý thì mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
“Cơ quan chức năng tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logicstic để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào. Đặc biệt, chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết”, Bộ Tài chính cho biết.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Thủ tướng cũng yêu cầu: bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.
Bộ GTVT rà soát giá cước vận tải
Đối với giá cước vận tải, theo quy định hiện hành, Bộ GTVT chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu. Hiện nay, Bộ GTVT, Sở Giao thông vận tải tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi. Giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá. Giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá…
Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, các cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá và đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế.
Với việc, hãng xe công nghệ đẻ thêm loại phí và tăng phí, Bộ Tài chính cho biết, giá cước vận tải bằng xe ô tô do thị trường điều tiết, quyết định, việc công khai, niêm yết thông tin về giá thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 và Điều 6 Luật Giá. Các hành vi vi phạm về công khai, niêm yết thông tin về giá được xử lý theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí lệ phí và hóa đơn.
“Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị đối với dự thảo Luật giá sửa đổi. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành (trong đó có Bộ GTVT – Bộ quản lý chuyên ngành lĩnh vực giao thông vận tải) đối với vấn đề giá cước vận tải, phụ phí, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định hình thức quản lý giá đối với khoản thu này”, Bộ Tài chính cho biết.
Liên quan đến chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt của mặt hàng xăng dầu, ngày 28/7/2022, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tiền phong