Bỏ tiền đăng quảng cáo trên Facebook, Goole, YouTube: Rủi ro lớn?
Nhu cầu sử dụng internet ngày càng cao, mức độ tương tác thông qua các trang mạng như Facebook, Google, YouTube… ngày càng đa dạng thì việc thu hút nhiều DN Việt chi tiền để quảng cáo là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, những vướng mắc về thuế và hậu quả về tài chính phát sinh lại không được DN quan tâm tìm hiểu thấu đáo. Các chuyên gia kinh tế, luật sư cho rằng, các DN cần phải tỉnh táo khi bỏ tiền ra mua quảng cáo qua các kênh này.
Cẩn thận bỏ tiền... chịu thiệt
Theo các chuyên gia kinh tế, trường hợp DN tại Việt Nam thuê DN để thực hiện quảng cáo trên Facebook, Google, sẽ không có vấn đề gì vì toàn bộ khoản tiền chi cho quảng cáo, nếu có hợp đồng và hoá đơn, chứng từ hợp pháp đều được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào và xác định chi phí hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định.
Rắc rối chỉ phát sinh, khi DN trực tiếp giao dịch quảng cáo với các tổ chức nước ngoài như Facebook, Google… do đây là đối tượng phải khai, nộp thuế nhà thầu, nhưng lại không đặt cơ sở thường trú tại Việt Nam, buộc các DN Việt phải có trách nhiệm khai và nộp thuế nhà thầu thay cho họ. Lúc này rủi ro lớn sẽ tiềm ẩn vì các DN Việt Nam phải bỏ tiền túi ra để nộp thay thuế cho Facebook, Google, nhưng việc họ có chấp nhận trả lại cho DN hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào sự hợp tác.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề nay, luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty luật TNHH Inteco (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) - cho rằng, theo biểu cam kết dịch vụ gia nhập WTO, thì DN nước ngoài không bị hạn chế cung cấp dịch vụ quảng cáo theo phương thức qua biên giới tại Việt Nam. Do đó, việc Google, Facebook cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, những nhà cung cấp dịch vụ này có nghĩa vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong quá trình cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.
Những nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo như vậy kinh doanh tại Việt Nam, nghĩa là họ có hoạt động cung cấp dịch vụ và có doanh thu, có lợi nhuận phát sinh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 4, Thông tư 103/2014//TT-BTC thì DN, tổ chức, cá nhân Việt Nam mua dịch vụ quảng cáo của Google, Facebook… là người phải nộp thuế. Các khoản thuế phải đóng bao gồm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Cũng theo hướng dẫn tại Điều 4, Thông tư nêu trên, thì người nộp thuế có trách nhiệm khấu trừ số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi thanh toán cho nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài.
Theo luật sư Phong, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chi trả tiền quảng cáo cho Google, Facebook thường không chú ý hoặc bỏ quên việc kê khai và nộp hộ thuế nhà thầu cho bên bán dịch vụ quảng cáo. Do Thông tư 103/2014 nêu trên quy định người nộp thuế là bên Việt Nam nên cũng có thể hiểu là nếu bên Việt Nam không thực hiện việc kê khai và nộp thuế cho nhà thầu nước ngoài thì sẽ bị coi là có hành vi trốn thuế. Rủi ro lớn nhất ở đây, chính là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý thuế, về hành vi trốn thuế.
Nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có thể khai, nộp thuế qua mạng
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho rằng, những DN Việt Nam khi thực hiện quảng cáo và mất tiền quảng cáo ở trang mạng xã hội, ngoài việc chuyển tiền trả thì cần phải đáp ứng yêu cầu về quản lý ngoại hối của Chính phủ Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu tài chính mà Chính phủ Việt Nam quy định. Ở đó có mảng khi mà các doanh nghiệp thu được quảng cáo hay dịch vụ khác thì phải đóng thuế phí theo quy định của Việt Nam. Nếu không đóng là trốn thuế.
Để góp phần tháo gỡ các khó khăn này, Cục thuế TP.Hà Nội cũng đã có văn bản số 222454/CT-TTHT ngày 23.4.2018 giải thích rõ: “Trường hợp Công ty mua dịch vụ quảng cáo trên Facebook, Google của nhà mạng nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nếu các thông tin, dữ liệu điện tử có liên quan đến giao dịch nêu trên (tài khoản trên mạng, điều khoản cung cấp dịch vụ, chính sách và giá phí của Công ty Facebook, Google để xác định dung lượng giao dịch, chứng từ thanh toán...) là chính xác, có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin; các thông tin, dữ liệu điện tử này được lưu trữ, có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh và khi cần thiết, cơ quan thuế có thể kiểm tra, thì được xác định chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN”.
Sau đó, Tổng cục Thuế đã có tiếp Công văn số 3149/TCT-CS ngày 15.8.2018 hướng dẫn thêm: “Trường hợp bên bán không cung cấp hoá đơn thì phải có tờ khai và chứng từ nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo quy định”.
Để tránh rủi ro cho DN và quản lý tốt thuế thương mại điện tử (TMĐT) nhất là thuế trực thu đối với nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế năm 2019 đã quy định, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thì nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp, hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đăng ký, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam theo quy định.
Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế - cho biết, mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, trong đó có quy định các tổ chức kinh doanh TMĐT phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam, đồng thời thành lập chi nhánh, văn phòng tại Việt Nam, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào đó để yêu cầu tổ chức đăng ký, khai và nộp thuế theo quy định.
Lao động