Bỏ tiền to chống tham nhũng, Ấn Độ gặp khủng hoảng lớn
Được giải thích là nhằm mục đích chống tham nhũng, chính sách thu hồi tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee đang gây ra nhiều vấn đề nan giải cho Ấn Độ vì loại tiền này chiếm hơn 80% lượng tiền lưu hành.
Cũng như hàng triệu người dân Ấn Độ đã quá ngán ngẫm với nạn hối lộ và tiền giả, anh Vimal Somani vô cùng ủng hộ chính sách thu hồi tiền mệnh giá lớn mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ban hành hồi đầu tháng này.
Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau, anh nhận ra việc kinh doanh của mình bị ảnh hưởng nặng nề như thế nào, theo hãng tin Reuters.
Tiền mất giá trong một đêm
Chính sách ban hành ngày 8-11 cho người dân thời hạn đến cuối năm để đổi tiền 500 hoặc 1.000 rupee lấy tiền mệnh giá nhỏ hơn, nhưng những tờ giấy bạc đó đã ngay lập tức không còn giá trị lưu hành sau nửa đêm ngày ra thông báo.
Chỉ trong tuần qua, công ty sản xuất giấy bạc bọc thức ăn của anh Vimal Somani ở Mumbai với hơn 150 nhân công tụt dốc thảm hại.
Việc thiếu hụt tiền mặt do tiền mệnh giá lớn đột ngột mất giá trị lưu hành khiến cho chuỗi cung ứng của anh gặp vấn đề nghiêm trọng: các xe tải chở hàng bị mắc kẹt do không có tiền đổ nhiên liệu, công nhân không chịu bốc dỡ hàng, và các nhà phân phối không thể trả tiền hàng.
"Toàn bộ chuỗi cung ứng đều gãy đổ", Vimal Somani than phiền.
Không chỉ gặp vấn đề ở khâu cung ứng, mà toàn bộ hệ thống gồm 300 nhà phân phối và bán lẻ của công ty anh đều gặp vấn đề.
Đội ngũ bán hàng của công ty anh ở phía đông và nam Ấn đang thiếu hụt tiền mặt trầm trọng để quảng bá cho các sản phẩm mới, hay thậm chí là không có tiền để trả chi phí đi lại.
Theo một số nhà phân tích, thu nhập của nhiều người Ấn Độ, từ tài xế taxi cho tới người bán hàng ăn, hay các các công ty hàng tiêu dùng lớn, đều sụt giảm nặng nề, có khi đến 80%, trong vòng tuần lễ đầu tiên sau khi chính sách được ban hành.
Anh Ranveer Singh, chủ một cửa hàng rau ở New Delhi mỗi ngày bán được khoảng 15 USD, thậm chí còn phải bán chịu rau củ cho khách quen trong hai ngày đầu, tuy nhiên vẫn không thể cầm cự và buộc phải đóng cửa.
“Tôi không có tiền để mua thêm hàng”, anh than thở. “Nếu cứ tiếp tục như vầy trong 2 tuần nữa, gia đình tôi chắc chẳng còn gì mà ăn”.
Các ngành đều rúng động
Một số nhà phân tích cũng đã dự toán thu nhập của các công ty từ giờ đến cuối năm, cảnh báo tất cả các ngành gồm xe hơi, bán lẻ, hàng tiêu dùng, xi măng, viễn thông và các công ty tài chính phi ngân hàng đều nằm trong nhóm có thu nhập giảm.
Ngành dịch vụ, chiếm 2/3 trong tổng GDP Ấn Độ, là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Anh Vimal Somani cũng nói trong khi doanh số đóng băng, thì những khoản phí cố định, như tiền lương nhân viên, vẫn còn đó. Dù có được chuyển khoản, thì nhân viên của anh cũng không có thời gian để xếp hàng ở ngân hàng mà đợi lãnh tiền do số người đến ngân hàng đổi tiền quá đông.
“Chúng tôi đang phải cắt giảm sản xuất”, Vimal mô tả tình trạng hiện tại. “Nếu tình hình này tiếp diễn trong 2 tháng nữa, chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề”.
Ở các khu vực nông thôn, nơi người dân hoàn toàn xài tiền mặt, tình hình còn tệ hơn.
Tại một số bang trồng lúa mì, doanh thu bán hạt giống và phân bón giảm hẳn phân nửa, dù là đang trong mùa gieo hạt, do nông dân không còn tiền mặt để mua.
Theo Reuters dự đoán, cứ đà này thì đến tháng 3 năm sau, chỉ số tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ sụt giảm xuống còn 4,1% so với 7,65% hồi năm ngoái.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phải kêu gọi người dân kiên nhẫn chịu đựng đến ngày 30-12, hứa rằng tình hình tiền tệ sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, ông Saumitra Chaudhuri, một cựu cố vấn kinh tế cho chính phủ, ước tính sẽ phải mất khoảng 6 tháng để ổn định tình hình.
Tuổi trẻ