MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ TN&MT sẽ thanh tra loạt dự án 'treo’ ôm đất bỏ hoang

07-06-2021 - 14:05 PM | Bất động sản

Bộ TN&MT sẽ thanh tra loạt dự án 'treo’ ôm đất bỏ hoang

Bộ Tài nguyên&Môi trường, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản, các dự án bỏ hoang để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm.

Cử tri nhiều tỉnh, thành phố mới đấy kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất đai trên phạm vi cả nước trước tình trạng hàng loạt dự án “treo” nhiều năm không triển khai gây lãng phí đất đai, thất thoát ngân sách Nhà nước.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ TN&MT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án quy hoạch treo như: việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch, dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…

 Bộ TN&MT sẽ thanh tra loạt dự án treo’ ôm đất bỏ hoang  - Ảnh 1.

Hàng loạt dự án “treo” nhiều năm không triển khai gây lãng phí đất đai, thất thoát ngân sách Nhà nước. (Ảnh: Dự án khu đô thị được phê duyệt tại huyện Mê Linh-Hà Nội hơn chục năm vẫn bỏ hoang)

Do đó, để xử lý các quy hoạch treo, Bộ TN&MT đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.

Cũng theo Bộ TN&MT tại Khoản 1, Điều 6, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch sửa đổi Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có quy định để xử lý vấn đề quy hoạch treo.

Cụ thể, đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch; được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa phải được cơ quan nhà nước cho phép theo quy định pháp luật.

Đồng thời, pháp luật về quy hoạch xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng đã có các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; yêu cầu đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.

Theo đó, tại Điều 78 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản.

"Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, theo từng chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định", Bộ TN&MT thông tin.

Như Tiền Phong thông tin, nằm ngay giữa Thủ đô, nhiều dự án được cấp phép triển khai hàng thập kỷ nhưng vẫn ôm đất bỏ hoang lãng phí.

Có thể kể đến như Dự án Tổ hợp gara cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn và căn hộ nằm tại ô đất B12 Nam Trung Yên ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy) của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sao Phương Bắc được giao đất từ năm 2010. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã hơn 10 năm trôi qua, dự án này vẫn chưa được triển khai. Trước đó, năm 2019, Sở TN&MT Hà Nội ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành Luật Đất đai đối với Công ty CP Đầu tư và phát triển Sao Phương Bắc trong việc thực hiện dự án tại ô đất B12 Khu đô thị Nam Trung Yên.

 Bộ TN&MT sẽ thanh tra loạt dự án treo’ ôm đất bỏ hoang  - Ảnh 2.

Sau hơn 10 năm được giao đất, Dự án Tổ hợp gara cao tầng, thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn và căn hộ nằm tại ô đất B12 Nam Trung Yên ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa được triển khai.

Kết luận nêu rõ, đến thời điểm tháng 5/2019, trên khu đất của Công ty CP Đầu tư và phát triển Sao Phương Bắc không có hoạt động xây dựng, chưa đưa đất vào sử dụng 67 tháng kể từ ngày nhận bàn giao đất trên thực địa, vi phạm Luật Đất đai năm 2013. Sau đó, dự án này được Hà Nội chấp thuận gia hạn sử dụng đất 24 tháng.

Hay Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2, thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) được UBND TP Hà Nội giao đất cho Công ty CP Tập đoàn đầu tư Long Giang vào ngày 8/11/2011. Dự án này chậm tiến độ tới 66 tháng, tức hơn 5 năm. Năm 2019, dự án này đã được Hà Nội gia hạn 24 tháng (theo quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 9/8/2019). Tuy nhiên, đến nay thời hạn gia hạn cũng sắp hết nhưng dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”, cỏ mọc um tùm.

Thậm chí, có những dự án sau hàng thập kỷ cấp phép đầu tư vẫn chỉ nằm “trên giấy”, ôm đất chậm triển khai như dự án Sông Hồng City và dự án khu nhà ở văn phòng IDC đều thuộc địa bàn quận Tây Hồ ảnh hưởng đến đời sống của người dân gây bức xúc mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần.

Ông Đào Trung Chính, Tổng Cục phó Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) phân tích, Luật Đất đai năm 2003 quy định, việc xử lý đối với trường hợp đất đã được nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án bị nhà nước thực hiện thu hồi đất. Trong đó, người có đất bị thu hồi do vi phạm sẽ không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp và thanh toán trị giá đã đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất. “Quy định là vậy nhưng thực hiện rất khó bởi doanh nghiệp tìm đủ mọi cách xin gia hạn để không bị thu hồi. Hơn nữa, việc thu hồi cũng không được các cơ quan chức năng thực hiện quyết liệt, kiên quyết”, vị này nói.

Theo Ninh Phan

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên