Bố trí gần 3.500 nhà, đất cho tái định cư
Khi bố trí nhà, đất tái định cư không để xảy ra so bì, khiếu nại của hộ gia đình, cá nhân trong dự án, cũng như phải sát nhu cầu thực tế của từng địa phương
- 05-09-2021Quận 8 đề xuất mua lại hàng trăm căn hộ tái định cư
- 26-08-2021Tính đến cuối tháng 6, Đồng Nai giải ngân hơn 3.300 tỷ đồng thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư dự án sân bay Long Thành
- 19-08-2021Khu tái định cư sân bay Long Thành... trễ hẹn!
UBND TP HCM vừa có quyết định về phân bổ quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho UBND 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để phục vụ cho nhu cầu tái định cư (TĐC) của các dự án chỉnh trang đô thị, công ích theo đề xuất của Sở Xây dựng.
Phải đúng chính sách, đúng đối tượng
Theo quyết định, UBND TP HCM đồng ý bố trí 3.426 căn hộ và nền đất để phục vụ TĐC cho các dự án nêu trên. Trong đó, có 2.396 căn hộ và 1.030 nền đất. Nguồn quỹ căn hộ và nền đất TĐC được bố trí như sau: 781 căn hộ thuộc chương trình 12.500 căn phục vụ tạm cư, TĐC cho Khu Đô thị mới Thủ Thiêm; 24 nền đất phục vụ TĐC cho dự án Khu Công nghệ cao; 161 nền đất phục vụ TĐC cho dự án Thảo Cầm Viên; 1.615 căn hộ và 845 nền đất còn lại để giải quyết tạm cư, TĐC cho các dự án chỉnh trang đô thị, công ích.
Chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM) rất ít người ở Ảnh: LÊ PHONG
UBND TP HCM giao 21 quận, huyện và TP Thủ Đức phê duyệt kế hoạch quản lý sử dụng nhà ở, đất ở phục vụ TĐC được phân bổ. Trong đó có danh mục cụ thể các dự án chỉnh trang đô thị, công ích có sử dụng vốn ngân sách tương ứng với nguồn nhà, đất nêu trên, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật, phương án bồi thường và chính sách TĐC được duyệt. UBND TP HCM cũng đặc biệt lưu ý các địa phương phải xem xét, ban hành quyết định giải quyết TĐC đúng chính sách, phương án bồi thường được duyệt và đối tượng bố trí. "Không gây so bì, khiếu nại của hộ gia đình, cá nhân trong dự án" - văn bản của UBND TP HCM nêu. Trường hợp có vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền thì phải báo cáo Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ TĐC của TP HCM xem xét trước khi bố trí sử dụng. Các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng sẽ phải tự trả chi phí phát sinh (chi phí quản lý, vận hành, sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh) từ việc chậm bố trí nguồn nhà đã được giao.
Trước đó, trong đề xuất của Sở Xây dựng nêu rõ 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã đăng ký sử dụng 4.250 căn hộ và nền đất để phục vụ nhu cầu TĐC cho hàng trăm dự án chỉnh trang đô thị và công ích. Trong đó, TP Thủ Đức đăng ký nhiều nhất với 1.467 căn hộ và nền đất, ít nhất là quận Tân Phú với chỉ 1 nền đất.
Cần tránh bố trí nhiều, sử dụng ít
Trước quyết định bố trí nhà, đất TĐC trên, năm 2020, UBND thành phố cũng đã có quyết định phân bổ 3.656 căn hộ và nền đất cho các quận, huyện để phục vụ TĐC. Song, tỉ lệ phân bổ ở các địa phương thấp.
Ghi nhận tại chung cư Tân Mỹ, quận 7, TP HCM nằm cận kề khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng, có nhiều tiện ích đi kèm. Tuy đã đưa vào sử dụng 10 năm nhưng khá nhiều người từ chối khi được bố trí TĐC nơi đây, bằng chứng là hiện tại có 220 căn hộ vẫn còn bỏ trống. Theo ông Trương Văn Thành, ngụ tầng 4, block B, người dân sống tại đây trước kia sống tại khu vực rạch Ụ Cây (quận 8), đa số làm nghề lao động chân tay và buôn bán nhỏ nên không quen ở chung cư. Sau khi tham quan căn hộ thì họ đồng ý nhận tiền mặt tìm nơi khác sinh sống. Số người chịu vào ở đa phần không còn phương án lựa chọn. "Mấy năm vào ở, vừa phải trả nợ phần tiền còn thiếu, vừa gồng thêm chi phí bảo trì vì thang máy và nhiều hạng mục hư hỏng nên gia đình tôi rất đuối và "hối hận" khi đã chọn căn hộ" - ông Thành phàn nàn. Theo ông, đối với những người buôn bán nhỏ, lao động tự do thì không nên bố trí căn hộ TĐC, vì thu nhập không ổn định.
Trong khi đó, chung cư C4, đường Man Thiện (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) - dành để bố trí cho những trường hợp phải TĐC, sau thời gian dài đưa vào sử dụng cũng chỉ phủ được 50% số căn hộ. Thậm chí có những tầng chỉ 1-2 hộ sinh sống. Xung quanh, giá nhà chung cư đều trên mức 35 triệu đồng/m2, tức căn hộ đều trên 1,5 tỉ đồng. Nhưng riêng chung cư này vẫn ế ẩm, nhiều người được hỗ trợ suất TĐC nhận rồi tìm mọi cách bán đi vẫn không có người mua. Lý do, nhiều người ngại sống trong căn hộ mang thương hiệu "tái định cư". Vì vậy, đã có nhiều trường hợp không đồng ý TĐC tại đây,
Báo cáo đánh giá về hoạt động bố trí TĐC, Sở Xây dựng thành phố từng đưa ra điểm yếu đó là hoạt động bảo trì và trùng tu không được quan tâm đúng mức dẫn đến dân chưa vào ở căn hộ đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, Sở Xây dựng vẫn đang quản lý hơn 9.400 căn hộ, 2.500 đất nền đang bỏ trống thuộc 163 dự án. Để hạn chế tối đa việc xuống cấp, hằng năm phải tốn 71 tỉ đồng để bảo trì những công trình bỏ hoang. Việc bán đấu giá các căn hộ và nền đất bỏ hoang cũng không phải dễ dàng. Do đó, khi đăng ký, các địa phương cần nắm thật chắc nhu cầu TĐC của từng dự án để tránh tình trạng đăng ký thì nhiều nhưng sử dụng thì ít, gây lãng phí lớn cho ngân sách trong việc bảo trì và trùng tu.
Có cách bán căn hộ bỏ hoang
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, cho rằng việc bán đấu giá các căn hộ TĐC bỏ hoang ở TP HCM không dễ là do mức giá được đẩy lên tương đương với giá nhà thị trường, trong khi người dân lo ngại về việc xuống cấp. Vì vậy, trước mắt thành phố có thể cho thuê dài hạn giá rẻ và chi phí thuê bù vào chi phí bảo trì, duy tu.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, đưa ra thêm nguyên nhân là do số tiền doanh nghiệp phải bỏ ra khá cao. "Lần lượt các đợt đấu giá mức khởi điểm 9.100 tỉ đồng sau đó tăng lên 9.900 tỉ đồng. Mức vốn bỏ ra rất cao trong khi chất lượng cần kiểm tra lại và sản phẩm này rất khó bán cho khách hàng" - ông Châu nêu. Theo ông, TP HCM nên áp dụng phương thức tạo quỹ nhà TĐC bằng cách các quận, huyện hợp tác doanh nghiệp triển khai, sẽ bám sát thực tế hơn. Theo đó, nếu không bố trí được quỹ nhà TĐC cho người có nhu cầu thì doanh nghiệp được phép kinh doanh nhà ở thương mại. Làm theo cách này chắc chắn TP HCM sẽ không còn những căn hộ TĐC bị bỏ hoang.
Người lao động