Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra 3 'lời nguyền' của ngành nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, vốn là 3 "lời nguyền" của nông nghiệp nước ta, nếu tiếp tục sản xuất theo lối mòn, thì ngành nông nghiệp sẽ không bao giờ thoát khỏi lời nguyền đó.
- 28-10-2021Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành cho doanh nghiệp đến hết năm 2023
- 28-10-2021Co-founder Homebase: 'Giá nhà so với thu nhập trung bình của người Việt còn cao hơn cả những nơi đắt đỏ trên thế giới'
- 28-10-2021Bộ trưởng Nông nghiệp lý giải vì sao cả ngành chăn nuôi thiệt hại 80.000 tỷ đồng nhưng không được hỗ trợ 30.000 tỷ như Vietnam Airlines?
Ngày 28/10/2021, trong tọa đàm "Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động" do Thông tin Chính phủ tổ chức, trước câu hỏi về dư địa của ngành nông nghiệp từ nay đến cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, thông thường, quý IV là quý tăng trưởng mạnh nhất của nông nghiệp, khi làm việc với các hiệp hội ngành hàng, các địa phương... thì tất cả đều khá tự tin sẽ đạt được kế hoạch đề ra năm 2021 là 42 tỷ USD hoặc 43 tỷ USD. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc lớn vào tình hình dịch bệnh.
Ông Lê Minh Hoan chia sẻ: "Gần đây, có nhiều thay đổi trong chính sách cách ly, mở cửa,… của Chính phủ, Việt Nam đã thay đổi chiến lược từ tiêu diệt Covid sang sống chung với Covid.
Tuy nhiên, khi mở cửa, dòng người về địa phương có thể dẫn tới nguy cơ xuất hiện nhiều ổ dịch, điều đó đã làm cho một vài địa phương hoang mang, lo lắng. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cần tránh tình trạng các địa phương tự đặt ra quy định riêng, nếu có phát sinh tình huống đặc biệt, địa phương phải xin ý kiến của Chính phủ. Tôi nghĩ rằng, đó là điểm tựa cho các doanh nghiệp có niềm tin tái khởi động sau khi thị trường bị tạm hoãn".
Bộ trưởng cho biết: "Cách đây vài hôm, tôi có gặp các vị "vua" như "vua chuối", "vua tôm", "vua cà phê"… tôi thấy rằng có niềm tin rất lớn ở các doanh nghiệp nông nghiệp. Mặc dù cách chống dịch của một số địa phương khiến cho doanh nghiệp gặp khó, nhưng chuyện gì đã qua thì cần cho qua.
Vì trong lúc tình hình dịch bệnh phức tạp như vậy, một bên là tính mạng, sức khỏe của người dân, một bên là kinh tế thì không tránh khỏi những tình huống đó. Chúng ta cần nhìn về tương lai chứ không nên nhìn về quá khứ. Muốn đi nhanh thì phải bớt nhìn lại quá khứ một chút, nếu cứ nhìn lại mãi thì không bao giờ đi nhanh được".
Ông Lê Minh Hoan khẳng định, niềm tin của doanh nghiệp nội là điều cực kỳ quan trọng cho kinh tế đất nước, vì đến cuối cùng, doanh nghiệp người Việt chúng ta mới là cốt lõi của nền kinh tế tự chủ.
Bản thân mình phải mạnh lên để bình đẳng, phát triển ngang bằng với doanh nghiệp FDI. Chúng ta "săn đón đại bàng nhưng đừng quên lót ổ cho chim sẻ", chính vì vậy, trong nhiều năm qua, VCCI cũng định hướng để cổ vũ doanh nghiệp nội đứng lên, để người ta không nói doanh nghiệp nội chúng ta "không chịu lớn".
Hiện nay, Chính phủ cũng đã có rất nhiều chính sách, ưu đãi tác động vào các doanh nghiệp, để tạo ra hào khí cho các doanh nghiệp và cho cả dân tộc đứng lên sau đại dịch. Ví dụ, như Thủ tướng đã nói "trong nguy có cơ", giờ đã có "cơ" rồi, cái "cơ" đó chính là sự thức tỉnh, là bản thân doanh nghiệp đã nhìn lại sức chống chịu, rủi ro, quản trị của mình rồi. Vậy điều chúng ta cần làm bây giờ là nắm lấy cơ hội và vươn lên.
Chuyển đổi tư duy sản xuất ngành nông nghiệp
Bộ trưởng cũng chia sẻ, sau khi làm việc với các địa phương, ban ngành, Tổng cục Thống kê... thì tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn góp phần quan trọng trong cán cân kinh tế chung của cả nước.
Đặc biệt, thời gian qua, sau khi phải đối diện với nhiều thách thức như: chi phí đầu vào tăng, sự đứt gãy chuỗi logistics... bước đi của nông nghiệp đã có tầm nhìn chiến lược mới.
Đó không phải là quy hoạch ngành hay phải nâng tỷ trọng ngành này, hạ tỷ trọng ngành kia, mà phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp. Đồng thời, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp từ tăng sản lượng sang tư duy kinh tế, với mục tiêu tăng giá trị sản phẩm.
Chúng ta đã bắt đầu khơi thông được mục tiêu đó, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi mô hình, để nông nghiệp không chỉ là 1 lĩnh vực sản xuất, mà còn tích hợp trong đó cả kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bản thân xã hội là nguồn lực, văn hóa cũng là nguồn lực. Khi tri thức hóa người nông dân, chúng ta sẽ tạo ra cộng đồng năng động hơn, điều đó cũng sẽ trở thành nguồn lực lớn mạnh cho xã hội. Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, vốn là 3 "lời nguyền" của nông nghiệp nước ta, nếu tiếp tục sản xuất theo lối mòn, thì ngành nông nghiệp sẽ không bao giờ thoát khỏi lời nguyền đó.
Nhiều khi chúng ta nói nông nghiệp thì phải sản xuất quy mô lớn. Nhưng bây giờ chưa chắc đã vậy, nhất là sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp chia nhỏ năng lực sản xuất ra để hoạt động, ví dụ doanh nghiệp chia nhỏ các nhà máy sản xuất, để nếu xuất hiện F0 ở nhà máy này, và buộc phải ngừng hoạt động được thì cũng đã có nhà máy khác thay thế sản xuất.
Giống như trước kia, người ta quy hoạch đại đô thị, nhưng trong bối cảnh này, đại đô thị lại rất bất cập, nên người ta chia nhỏ và kết nối các đô thị lại với nhau. Đây là lúc chúng ta không chạy theo số lượng, mà phải hướng tới chất lượng của sản phẩm.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 chữ biến:
Thứ nhất, biến đổi khí hậu.
Thứ hai, biến đổi thị trường về ngoại giao, quan hệ thương mại,… Chúng ta không được nghĩ thị trường nào chúng ta cũng chiếm lĩnh được hết.
Thứ ba, biến chuyển xu thế tiêu dùng, hiện giờ xã hội đang hướng tới tiêu dùng xanh, nếu mình cứ loay hoay mùa vụ, tăng sản lượng, rồi tính xem năm nay năng suất bao nhiêu, thì chúng ta không thể bán được cái xã hội cần.
Bộ trưởng lưu ý: "Chúng ta phải thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, với phương pháp rõ ràng, minh bạch ngay từ đầu. Thị trường nước ta đang gặp phải tình trạng, thông tin không cân xứng giữa cung và cầu, dẫn đến trường hợp bị lợi dụng và chi phối thông tin. Ví dụ như tình trạng giá lợn vừa qua là một minh chứng điển hình cho sự không cân xứng thông tin này.
Vì vậy, hiện nay, trách nhiệm của Nhà nước không phải là yêu cầu sản xuất được bao nhiêu, mà làm sao minh bạch được thị trường. Đó là trách nhiệm doanh nghiệp, hay người dân đều không thể làm được, chỉ có Nhà nước mới có thể làm được. Ví dụ, Chính phủ có thể xây dựng biện pháp để cung cấp thông tin thị trường hàng ngày như dự báo thời tiết, để người dân biết mỗi ngày lúa thu hoạch được bao nhiêu, lợn thịt ra bao nhiêu".