MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì về thu - chi ngân sách và thị trường tài chính?

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói gì về thu - chi ngân sách và thị trường tài chính?

Trong thành công chung của đất nước, của hệ thống chính trị, ngành Tài chính đã có đóng góp một phần trên tinh thần kiên định từ đầu nhiệm kỳ là luôn đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Ba năm đã qua, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội đều đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tuy gặp nhiều khó khăn chưa có tiền lệ, nhưng đất nước đã vượt qua và kinh tế - xã hội vẫn có bước phát triển, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm. Trong thành công chung của đất nước, của hệ thống chính trị, ngành Tài chính đã có đóng góp một phần trên tinh thần kiên định từ đầu nhiệm kỳ là luôn đồng hành với người dân, doanh nghiệp.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trao đổi với báo giới về một giải pháp tài khóa nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vừa “khoan sức dân”, “nuôi dưỡng nguồn thu”, vừa phục hồi kinh tế đất nước.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong các báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội hôm khai mạc kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn và hạn chế. Vậy Bộ trưởng nhìn nhận thành tựu kinh tế nói chung và thành tựu riêng của ngành Tài chính là gì?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Có lẽ tôi sẽ trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi bế mạc Hội nghị Trung ương 8 để trả lời câu hỏi này. Tổng Bí thư nêu rõ: “Trong 9 tháng đầu năm vừa qua, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước…”

Tôi cho rằng nhận định này của người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nói lên tất cả. Chúng tôi vui mừng vì trong “điểm nổi bật” mà Tổng Bí thư nêu lên trên đây, ngành Tài chính đã có những đóng góp nhất định khi chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả, góp phần tích cực vào nỗ lực chung nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kinh tế phục hồi.

PV: Nhưng rõ ràng là những khó khăn vẫn còn đó và như Chính phủ xác định, thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm, từ cải cách thể chế đến các giải pháp khác, trong đó có giải pháp về tài khóa.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Khó khăn ở đây chúng ta hiểu là khó khăn không chỉ của Việt Nam, mà khó khăn, thách thức từ kinh tế thế giới mang lại khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Khó khăn vừa là áp lực, nhưng cũng là động lực để vừa hài hòa nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao để vươn lên phát triển bền vũng kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, là đảm bảo các cân đối lớn, vừa chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, người dân bớt khó khăn. Theo phương châm hành động “ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” của Chính phủ, chúng tôi đã đề xuất nhiều chính sách mở rộng để đồng hành cùng đời sống kinh tế đất nước, phát huy hiệu quả trực tiếp và gián tiếp trong nỗ lực chung của các nước cùng khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng.

Theo đó, thông qua các chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ trực tiếp như miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… hàng trăm nghìn tỉ đồng từ ngân sách quốc gia đã được chia sẻ lại với người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Quy mô con số hỗ trợ đã tăng dần kể từ đầu 2020 đến nay: năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng; năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng; năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng; và năm nay, riêng tiền thuế, thuê đất gia hạn và miễn giảm đã khoảng 196 nghìn tỷ đồng. Bộ Tài chính cũng đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, ước tính gói hỗ trợ lên tới 347 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền qua 4 năm đã lên tới con số 700 nghìn tỷ đồng.

PV: Chuyển đổi số được nhắc đến nhiều và Chính phủ cũng có những chương trình, hành động cụ thể. Ngành tài chính đã tham gia chuyển đổi số thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chúng tôi xác định bên cạnh những giải pháp tài khóa trực tiếp nêu trên thì chuyển đổi số là một giải pháp hỗ trợ gián tiếp rất hiệu quả và chủ động triển khai. Điều này có tầm quan trọng cùng với cải cách thể chế tài chính tốt hơn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn trong công tác thu ngân sách, chúng tôi đã chỉ đạo ngành Thuế triển khai nhiều biện pháp mang lại hiệu quả cao như: áp dụng hóa đơn điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn, ứng dụng AI trong phát hiện gian lận thuế, thu thuế thương mại điện tử, xây dựng cổng thông tin điện tử ngành thuế, talk mobile, kết nối máy khởi tạo tính tiền… tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Và như tôi nói, những giải pháp gián tiếp trên cũng hỗ trợ tốt không chỉ cho việc sửa đổi, ban hành chính sách tài chính, mà còn góp phần ổn định các thị trường tài chính như chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp… Các thị trường này bước đầu đã qua giai đoạn khó khăn nhất, dần ổn định trở lại và bước đầu phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh và bền vững hơn.

PV: Báo cáo của Chính phủ cũng như nhận định của Trung ương cho thấy: Chỉ tiêu tăng trưởng GDP 2023 không đạt như Quốc hội giao là 6,5%, mà chỉ dừng ở quanh mức 5%. Điều này sẽ tác động thế nào tới công tác thu ngân sách nhà nước và tăng áp lực cho việc cân đối các cán ngân sách lớn, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thật ra Trung ương cũng đã dự báo và nhận định mức tăng trưởng GDP trên 5% vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tới lúc này có thể khẳng định: thu ngân sách nhà nước có thể đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong khi đã thực hiện nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thời gian nộp đối với nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền sử dụng đất. Việc thu ngân sách tốt gắn liền với sức sống của nền kinh tế, sức khỏe của doanh nghiệp. Tất nhiên, tăng trưởng thấp cũng ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước nhưng ngành tài chính sẽ nỗ lực hơn nữa để “nuôi dưỡng nguồn thu”, “khoan sức dân” và cũng không để lọt các khoản thu theo luật.

Hoàn thành nhiệm vụ ngân sách năm nay đòi hỏi phải có nỗ lực cao, sáng tạo và linh hoạt. Tất nhiên, đạt được nhiệm vụ đó nếu chỉ một mình ngành Tài chính thì không đủ mà nhiệm vụ này còn là kết quả của sự đồng thuận rất cao từ các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

Trong năm 2023 này, nhiệm vụ chi vẫn rất lớn, trong khi nguồn thu ngày càng khó vì kinh tế khó khăn chung; từ đó tạo áp lực lên việc cân đối thu – chi trong bối cảnh khó khăn dự báo còn kéo dài. Tuy vậy, chúng tôi đã quán triệt và đặt quyết tâm cao nhất để đạt kế hoạch thu ngân sách đã đề ra.

PV: Sang năm 2024, nhiều dự báo cũng đã cho rằng, tình hình kinh tế, lạm phát, giá năng lượng và cả địa chính trị trên thế giới… sẽ còn đối mặt với nhiều yếu tố bất ngờ, khó lường. Bộ trưởng có chia sẻ gì về những dự báo này?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chúng tôi hiện đang xây dựng các kịch bản để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội các kịch bản để điều hành công tác ngân sách nhà nước hiệu quả trong năm tới.

Chúng tôi xác định, khó khăn của công tác tài chính – ngân sách sẽ còn tiếp diễn, do đó, việc đảm bảo các cân đối lớn cho nền kinh tế là mục tiêu rất quan trọng. Theo phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng, ngành Tài chính sẽ nỗ lực cao nhất để vừa đảm bảo nhiệm vụ thu – chi ngân sách, vừa đảm bảo công tác tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Hiện tại nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dẫn vẫn được duy trì và đề xuất thêm, điển hình là Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục chính sách giảm thuế VAT 2% trong nửa đầu năm 2024, giảm 50% thuế BVMT cho xăng dầu cả năm. Song hành với các chính sách tài khóa thông qua miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, ngành Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, áp dựng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính… để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, tiếp tục phát triển và đóng góp lớn hơn, bền vững hơn vào nguồn thu đất nước.

Chúng tôi cho rằng đây là cách “nuôi dưỡng nguồn thu”, “khoan sức dân” rất cần thiết nhưng đồng thời tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, pháp lý… cho doanh nghiệp phát triển.

PV: Các báo cáo thẩm tra có liên quan của Quốc hội cho rằng thị trường tài chính cần có thêm các giải pháp để ổn định, bền vững hơn… Bộ trưởng có đồng tình không?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cũng như nhiều lĩnh vực khác, thị trường tài chính, trong đó nổi bật là thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm cũng đã chịu tác động rất lớn từ biến động của kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Quốc hội và chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ, Thủ tướng cũng như nỗ lực của cơ quan quản lý các cấp, các thị trường tài chính đã dần ổn định trở lại và hồi phục dần.

Dù vậy, chúng ta cũng hiểu rằng: để đạt được mục tiêu như Trung ương, Quốc hội yêu cầu thì còn nhiều giải pháp đồng bộ cần tiếp tục triển khai. Trong thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để có các giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, đóng góp thực chất hơn nữa vào kinh tế đất nước với phương châm doanh nghiệp mạnh thì thị trường phát triển tốt, bền vững.

PV: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về các thị trường tài chính trong quá trình hồi phục vừa qua?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay chịu sự biến động lớn, nhưng thị trường vẫn được đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn, thanh khoản và đang chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh hơn. Thể thế, khung khổ pháp lý đang được rà soát, cập nhật, sửa đổi cho phù hợp hơn với bối cảnh mới. Chất lượng hàng hóa trên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn theo hướng nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đang rất nỗ lực trong việc thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được Chính phủ đẩy mạnh đang có nhiều tín hiệu ấm dần trở lại. Bên cạnh việc thị trường trái phiếu sơ cấp dần lấy lại niềm tin khi có nhiều doanh nghiệp phát hành hơn, thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ thứ cấp đã vận hành được hơn 3 tháng với thanh khoản khá và thông tin minh bạch hơn.

Thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ dù còn nhiều khó khăn nhưng đến nay đã hoạt động quy củ, chất lượng, minh bạch hơn sau sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và nhiều đơn vị liên quan.

PV: Một cách tổng quát, xin Bộ trưởng nói về các giải pháp mà ngành tài chính sẽ thực hiện để đóng góp tốt hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn cho nền kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, tình hình kinh tế, tài chính, các rủi ro bất ổn có thể tác động tới kinh tế trong nước, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, thu – chi ngân sách hiệu quả, cũng như có giải pháp ứng phó chủ động, có hiệu quả kể cả các tình hình cấp bách, bất ngờ xảy ra.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chủ động thực hiện linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chi ngân sách hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí…

Kiên trì tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu các cấp các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sâu rộng, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, nâng cao chất lượng hoạt động và đạo đức thực thi công vụ, tập trung giải ngân đầu tư công, xây dựng công trình hạ tầng nhanh, hiệu quả, Hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là bất động sản, đầu tư công, thu hút FDI.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là chống thất thu ngân sách, chống trục lợi qua hoàn thuế VAT, gian lận hóa đơn, chứng từ, chống buôn lậu… tạo thuận lợi trong xuất-nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tiếp tục các giải pháp để phát triển các thị trường tài chính phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Tinh thần chỉ đạo và triển khai các giải pháp phát triển thị trường tài chính của chúng tôi là nâng cao chất lượng hoạt động, chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ… và gắn sự phát triển thị trường tài chính trong nước với tiêu chí, tiêu chuẩn chung của khu vực và thế giới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc :   Nợ công thấp hơn nhiều so với mục tiêu

Những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về tài chính đối ngoại. Điều đó được thể hiện của việc kiểm soát nợ công chặt chẽ, chi phí thấp, kỳ hạn dài.

Nợ công và nợ Chính phủ bảo lãnh vẫn ở mức bền vững, ổn định quanh khoảng 36% GDP trong năm 2023 trước khi giảm xuống khoảng 34,4% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 60% được Quốc hội đề ra và vẫn ở mức bền vững.

Tuy nhiên, thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực bên ngoài với chi phí phù hợp, đáp ứng yêu cầu nguồn lực thực tế thực hiện chương trình, mục tiêu lớn.


Mai Chi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên