Bộ trưởng Công an: Bỏ sổ hộ khẩu nhưng "chắc chắn phải có quản lý"
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân... là nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân nhưng "chắc chắn phải có quản lý".
Sáng 6/11, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm đã có trao đổi ngắn xung quanh Nghị quyết 112 của Chính phủ về việc đồng ý bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu , giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc Chính phủ quyết định bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân... là nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính để phục vụ nhân dân nhưng "chắc chắn phải có quản lý".
"Biện pháp thì sẽ có biện pháp, cách quản lý nhưng giấy tờ thì sẽ đơn giản hoá tối đa về thủ tục chứ không phải bỏ giấy tờ nghĩa là bỏ quản lý. Nguyên tắc cơ bản nhất là thế còn hình thức thì rất nhiều", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin thêm, Bộ sẽ có họp báo để thông tin đầy đủ và trả lời tất cả những câu hỏi đặt ra liên quan đến việc bỏ các giấy tờ.
"Chiều nay hoặc chiều mai, Bộ sẽ mời các cơ quan báo chí đến, có gì cần tìm hiểu, thắc mắc thì sẽ trả lời hết", Bộ trưởng cho biết thêm.
Trước đó, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẳng định, chủ trương bỏ sổ hộ khẩu là rất hợp lý.
Cụ thể, bỏ bớt giấy tờ thủ tục cho dân để hoạt động nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, không ảnh hưởng gì đến vấn đề quản lý của nhà nước.
"Dân các tỉnh đổ về thành phố đều kiểm soát được hết chứ không vướng mắc gì và sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí cho dân, cho nhà nước, từ tiền công làm sổ hộ khẩu, giấy để in sổ…
Khi mà chuyển đổi bỏ cái cũ sang cái mới bao giờ cũng cần có thời gian nhưng với quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an thì việc này chắc chắn sẽ được triển khai sớm, để cho vấn đề quản lý xã hội một cách hiện đại, hiệu quả", ông Cầu nói.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu.
Giám đốc công an Nghệ An cũng nhận định, hiện cuộc cách mạng 4.0 phát triển rất mạnh, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư đang phát triển rất mạnh.
"Tôi nhận thức rằng trong tất cả các vấn đề quản lý xã hội thì quản lý con người là khó nhất. Tuy nhiên, khi chúng ta có công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin thì việc quản lý sẽ dễ dàng hơn.
Và người dân đi ra đường không cần phải mang theo mình rất nhiều giấy tờ để cùng một lúc phải kiểm tra mà cần tích hợp tất cả các dữ liệu lại và kiểm tra thì hệ thống máy có thể xác định được ngay", ông Cầu chỉ rõ.
Về thời gian để chuyển đổi, theo ông Cầu là cần nhưng không dài. Cụ thể, chủ trương là cho làm đồng loạt triển khai vấn đề căn cước công dân thì sẽ làm ngay vì hiện cơ sở dữ liệu đã kết nối đến từng địa phương rồi, giờ địa phương làm nữa là xong thôi.
Trước câu hỏi, bỏ sổ hộ khẩu thì các vấn đề liên quan đến sở hữu, quản lý đất đai của công dân sẽ quản lý ra sao? Người đứng đầu công an Nghệ An cho hay, vấn đề này, khi có nghi ngờ thì các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra chứ không phải bỏ sổ hộ khẩu đi thì không kiểm tra.
"Việc kiểm tra để xác minh do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, còn công dân chỉ cần xuất trình, thông báo thôi còn xác định đúng hay không đúng thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Việc chuẩn bị rất chu đáo về cơ sở dữ liệu dân cư rồi thì có thể trả lời được ngay, chính xác, không có vấn đề vướng gì.
Ví dụ ở Nghệ An có hơn 3,2 triệu mã định danh, tất cả những vấn đề về chứng minh nhân dân của dân chúng tôi chỉ cần vào máy tính tra cứu là trả lời chính xác", ông trả lời.
Trí Thức Trẻ