MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Công Thương: Chúng ta mua điện của Lào và Trung Quốc ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nhiệt điện ở Việt Nam

ĐBQH đặt vấn đề: Tăng cường nhập khẩu điện Trung Quốc, Lào có đi ngược xu thế và tinh thần độc lập, tự chủ?

Đại biểu Vũ Thị Thủy, đoàn Hải Dương đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: "Hiện nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tránh phụ thuộc vào thị trường đến từ bên ngoài. Trong khi đó, Việt Nam vẫn tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng như Trung Quốc và Lào. Như vậy, có đi ngược lại với xu thế và tinh thần chủ trương của Đảng và Nhà nước hay không, hơn nữa việc nhập khẩu điện đồng nghĩa với việc đầu tư hạ tầng kết nối truyền tải gây tốn kém".

Nói về nền kinh tế độc lập, tự chủ trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, Bộ trưởng Công thương báo cáo:  Mục tiêu chúng ta là xây dựng nền kinh tế tự chủ, độc lập. Đây là những nội dung cơ bản của trong đường lối của Đảng và đồng thời là quá trình triển khai thực hiện của Nhà nước. 

Tuy nhiên, nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng hiện nay của chúng ta ở mức cao, thường xuyên từ 6,5-7% một năm, tăng trưởng điện năng của chúng ta yêu cầu phải khoảng độ từ 10,5-11,6% trong một năm, tùy vào kịch bản khác nhau của từng năm. 

Như vậy, với tổng mức đầu tư từ 6-8 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống phát nguồn, phát điện cũng như hệ thống hạ tầng truyền tải, chúng ta đang gặp vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta hướng tới việc nhập khẩu điện. Thực tế, quy mô nhập khẩu điện dự kiến đến năm 2025 chỉ chiếm khoảng 3% nhu cầu điện năng.

Về vấn đề điện năng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra một số nguyên tắc đảm bảo nhập khẩu điện. 

Thứ nhất, trong mối quan hệ đặc biệt với Lào, đây là chủ trương đặc biệt của Bộ Chính trị trong việc liên kết tạo ra những cơ hội để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước. 

Thứ hai, phải có một quá trình, liên kết về điện năng với các quốc gia láng giềng, không chỉ dừng ở Lào và Trung Quốc. Sắp tới đây sẽ phải tiếp tục trong khối ASEAN và các nước láng giềng khác. Kinh nghiệm cho thấy một quốc gia không thể hoàn toàn riêng lẻ trong hệ thống hạ tầng Việt Nam, mà trong nền tương tác phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.

Thứ ba là những yếu tố cơ bản khác phải đảm bảo, đấy là về nguyên tắc lợi thế so sánh và cạnh tranh trong giá điện. Hiện nay, chúng ta mua điện của Lào và của Trung Quốc ở mức thấp hơn mức giá thành sản xuất nhiệt điện ở Việt Nam, tức là dưới 7 cent. Quy định mới mà Chính phủ đã quy định các hợp đồng mua bán điện với Lào và Trung Quốc thì đều ở dưới mức 6,9 cent so với mặt bằng là hơn 7 cent, hiện nay của chúng ta trong nhiệt điện than 7,3 cent.

Thứ tư, những dự án này phải thuận lợi và đáp ứng được yêu cầu về đấu nối, kết nối với hệ thống hạ tầng, không đòi hỏi chúng ta phải đầu tư những nguồn lực lớn. Nếu các nhà đầu tư của phía các nước bán điện yêu cầu bắt buộc phải tự đảm bảo khâu đầu tư cho hạ tầng truyền tải để dẫn đến điểm kết nối trong hệ thống điện quốc gia của Việt Nam. 

Vì vậy, cũng không có vấn đề lớn đặt ra trong câu chuyện về sự độc lập và không phụ thuộc của nền kinh tế có vướng mắc trong câu chuyện về điện năng. 

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên