MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Công Thương: Sẵn sàng phương án dự phòng, đảm bảo đủ xăng dầu năm 2024

Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Công Thương: Sẵn sàng phương án dự phòng, đảm bảo đủ xăng dầu năm 2024 - Ảnh 1.

Hội nghị triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu. Ảnh: MOIT

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, năm 2023, việc điều hành xăng dầu trong nước của Bộ Công Thương và thực hiện tổng nguồn phân giao của các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước phục hồi chậm hơn so với dự báo, tình hình biến động khó lường của thị trường xăng dầu thế giới; Bộ Công Thương điều chỉnh tăng tổng nguồn phân giao tối thiểu cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn hàng khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng sản xuất trong 55 ngày để bảo dưỡng từ ngày 25/8; tình hình kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, GDP cả năm 2023 dự kiến chỉ tăng 5% (kế hoạch năm 2023 GDP tăng 6,5%) đã ảnh hưởng tới mức tiêu thụ xăng dầu trong nước.

Tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế thực hiện cả năm 2023 ước khoảng 26,02 triệu tấn. Trong đó, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại cả năm 2023 ước khoảng 10,2 triệu tấn.

Bộ trưởng Công Thương: Sẵn sàng phương án dự phòng, đảm bảo đủ xăng dầu năm 2024 - Ảnh 2.

Bộ Công Thương đã công bố cơ cấu nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất tiêu dùng năm 2024 với tổng nguồn xăng dầu tối thiểu tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại

Tổng nguồn tối thiểu năm 2024 gần 29 triệu m3/tấn xăng dầu

Bộ Công Thương đã công bố cơ cấu nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất tiêu dùng năm 2024 với tổng nguồn xăng dầu tối thiểu tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.

Ông Lê Xuân Huyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2024, ngay từ đầu năm Tập đoàn đã chỉ đạo phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu ít nhất ngang bằng với năm 2023.

Còn theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, năm 2024, Tập đoàn được Bộ Công Thương phân giao 1,5 triệu m3/tấn, so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023 thì con số này tăng 12%, đối với mặt hàng dầu diesel Bộ Công Thương phân giao tăng 22% so với sản lượng xuất bán của Tập đoàn năm 2023.

Căn cứ phân giao của Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam xác định sẽ thực hiện nghiêm túc, bám sát chỉ tiêu Bộ giao cũng như quy định về hạn mức tồn kho tối thiểu. Ngay đầu tháng 1/2024, Tập đoàn đã chủ động tạo nguồn mua từ 2 nhà máy trong nước, cũng như nhập khẩu, với lượng tăng khoảng 10% so với sản lượng phân giao bình quân.

Ông Trần Phú Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho biết, năm 2024, doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023, tăng 18% so với thực hiện của năm 2023. Tổng công ty Xăng dầu Quân đội sẽ quyết tâm thực hiện kế hoạch được phân giao.

Ghi nhận các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thống nhất nhận định năm 2023 là năm vô cùng khó khăn với nền kinh tế của thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là hiện tượng đứt gãy nguồn cung, giá cả thiếu ổn định của các mặt hàng chiến lược, trong đó có xăng dầu, nhưng việc cung ứng xăng dầu trên phạm vi cả nước bảo đảm thực hiện khá tốt.

Cần có phương án dự phòng

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém như: Một số doanh nghiệp đầu mối chưa chấp hành nghiêm kế hoạch phân giao sản lượng tối thiểu; chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như kho, bãi, dự trữ thương mại tối thiểu, chấp hành nghĩa vụ thuế hay là quản lý và sử dụng quỹ bình ổn…; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu có lúc có nơi thực hiện chưa tốt.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, nhu cầu trong nước dự báo sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần có một phương án tình thế, phương án dự phòng để trong mọi tình huống đều đảm bảo đủ xăng, dầu cho nền kinh tế. Đồng thời phải có kế hoạch điều chỉnh linh hoạt, lấy kết quả của tháng này làm cơ sở để phân giao kế hoạch điều hành cho tháng tiếp theo.

"Nhiệm vụ chung cho các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đó là trong mọi tình huống, không được để thiếu nguồn cung về xăng dầu, không được để đứt gãy, kể cả là cục bộ", Bộ trưởng yêu cầu.

Để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời phải thực hiện những chỉ đạo của Chính phủ, liên Bộ, từng Bộ, địa phương trong đó có quy định về việc áp dụng phần mềm quản lý để bảo đảm khách quan, minh bạch, xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm sản lượng phân giao tối thiểu theo năm, theo tháng, quý. Từ hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, chủ động phản ánh đề xuất về những cơ chế chính sách hoặc những giải pháp tình thế, đặc thù để có thể đối phó một cách hiệu quả đối với diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới và phải có trách nhiệm với những kiến nghị đề xuất đó.

Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành hữu quan và cấp ủy, cơ quan địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quản lý vận hành hệ thống kinh doanh xăng dầu, nhất là việc chủ động hướng dẫn các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh xăng dầu; tiến hành việc thanh kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; góp phần thực hiện hiệu quả công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng Công Thương: Sẵn sàng phương án dự phòng, đảm bảo đủ xăng dầu năm 2024 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần có một phương án tình thế, phương án dự phòng để trong mọi tình huống đều đảm bảo đủ xăng, dầu cho nền kinh tế.

Kịp thời đề xuất cơ chế đặc thù, không đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó

Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình và xử lý trong lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý theo đúng chức trách, nhiệm vụ quy định tại Nghị định 83, 95, 80 về kinh doanh xăng dầu và theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, kể cả là những cơ chế đặc thù để bảo đảm trong mọi tình huống không bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu và không để các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó xử, khó hoạt động, thậm chí vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, tích cực phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ nội dung của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng tuân thủ quy luật thị trường nhưng vẫn phải đảm bảo vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ đối với các doanh nghiệp trong hệ thống kinh doanh xăng dầu, từ doanh nghiệp đầu mối đến thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ. Đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ, ngành và địa phương để kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm.


Theo Phan Trang

VGP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên