MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Công thương thừa nhận có nhiều nơi tài sản Nhà nước bị thất thoát trong quá trình cổ phần hóa

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh về việc M&A các thương hiệu trụ cột có khả năng dẫn dắt, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn có vốn Nhà nước còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế - Sabeco là một điển hình. Dù cho nhà nước thu được khá nhiều tiền nhưng tái đầu tư lĩnh vực khác liệu có hiệu quả?

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu một loạt câu hỏi: Bộ trưởng có nhận định và dự báo gì về M&A hiện nay? Liệu có thất thoát tài sản vốn nhà nước khi thoái vốn cổ phần? Có làm gia tăng tình trạng độc quyền, thao túng thị trường? Sabeco có biến mất như Dạ Lan, hay bị đồng hóa thành thương hiệu của nhà đầu tư ngoại? Bộ trưởng có giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ chính sách điều tiết hoạt động này, phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực?

Trả lời nhóm câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, M&A là một hiện tượng phổ biến trong kinh tế quốc tế hiện nay và cũng là một xu thế phát triển trong hoạt động của các doanh nghiệp ở bình diện quốc tế. Vì thế, Bộ trưởng cho rằng đây là hiện tượng sẽ mang lại những hiệu quả, tác động tích cực cho chúng ta, kể cả về chuyển giao công nghệ cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. 

Thứ hai, về khâu cổ phần hóa hay bán vốn của nhà nước, thì đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục cải cách nền kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, tái cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước là không chỉ nhằm tới thu nhỏ số lượng doanh nghiệp Nhà nước mà còn tạo ra thị trường, thể chế và pháp luật thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khác tiếp cận các cơ hội thị trường. 

Về quá trình triển khai thực hiện, trong thời gian vừa qua mặc dù đã có kết quả tích cực, nhưng vẫn còn chậm trễ.

Liên quan đến việc có thất thoát tài sản thông qua việc bán vốn hay cổ phần hóa hay không, theo Bộ trưởng, trên thực tế, trong quá trình tổng kết những hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn, chúng ta cũng đã đưa ra rất nhiều bài học kinh nghiệm và từ thực tiễn phân tích đánh giá. Chúng ta khẳng định ở nhiều nơi, nhiều chỗ có câu chuyện để tài sản thất thoát trong quá trình cổ phần hóa do thực hiện không đúng quy định hoặc do chấp hành không nghiêm, thậm chí do các nguyên nhân không nắm vững luật pháp.

"Cụ thể ĐBQH nói về Sabeco hay các doanh nghiệp có thương hiệu lớn mà chúng ta cần phải giữ, chúng tôi cho rằng đây là ý đúng, và chúng ta cũng phải tính đến, không phải là tiếp tục duy trì các thương hiệu Việt Nam, của nội bằng cách duy trì vai trò của Nhà nước trong những doanh nghiệp này. Nhưng chúng ta phải tính đến câu chuyện ưu tiên phát triển cho doanh nghiệp tư nhân như đã từng đề cập đến trong các Nghị quyết Trung ương, coi đây là động lực phát triển đất nước trong những năm tới" - Bộ trưởng nói.

Những động lực để doanh nghiệp tư nhân phát triển và có cơ hội tiếp cận không chỉ với thị trường mà là cơ hội thông qua cổ phần hóa và thoái vốn, nhất là những M&A này. Nhưng phải trên cơ sở công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của luật pháp.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên