Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tiền hỗ trợ rơi vào nhà quan, tai tiếng cả đời
“Đừng để rơi vào nhà quan, vào nhà ông tổ trưởng, bí thư chi bộ. Thế thì không còn đường nào mà nói. Cái này nó rất bé nhưng mà tai tiếng cả đời”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói.
- 26-05-2020Thu hồi kinh phí hỗ trợ Covid-19 của 9 hộ là cán bộ, đảng viên "ngồi nhầm" danh sách nghèo ở Hòa Bình
- 17-05-2020Thanh Hoá lý giải việc người hưởng hỗ trợ dịch COVID-19 thấp hơn danh sách tổng hợp
- 17-05-2020Thanh Hóa: 2.000 người "trùng" danh sách nhận hỗ trợ Covid-19
- 15-05-2020Thủ tướng: Không được ép dân ký đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ
- 14-05-2020Hà Nội: Đề xuất mức hỗ trợ cho người dân bị phong tỏa vì COVID-19
Chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung dự chương trình trao kinh phí hỗ trợ ảnh hưởng dịch COVID-19 cho người lao động quận Hà Đông, thực hiện chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ tại địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Dung đánh giá cao việc thực hiện của Hà Nội. Ông Dung chia sẻ, khi tham mưu Chính phủ thực hiện chính sách này, ông đã xác định trách nhiệm rất nặng nề đặt lên vai bản thân ông và Chủ tịch các tỉnh. “Tôi nói là nếu không cẩn thận thì chết vì gói này. Chết vì cái gian lận, gian dối. Bao nhiêu dồn hết tội cho Bộ trưởng, cho Chủ tịch tỉnh”, ông Dung nói.
Ông Dung cho biết, Hà Nội trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với người dân. Đây là một chủ trương rất nhân văn, chưa từng có trong lịch sử và đến thời điểm hiện tại, về cơ bản đạt yêu cầu.
“Điều đáng mừng là Hà Nội đã bắt đầu tập trung giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do. Hà Nội và một số thành phố lớn khác như TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… tập trung làm xong hỗ trợ cho lao động tự do là cơ bản giải quyết xong gói hỗ trợ”, ông Dung nêu.
Người lao động nhận tiền hỗ trợ tại UBND quận Hà Đông
Điều đáng mừng, theo ông Dung, đến thời điểm này, ông chưa nhận được đơn thư phản ánh về tiêu cực nào trong cách làm của Hà Nội. Còn trên cả nước, có một vài đơn vị cũng đã có hiện tượng này. “Tôi cũng báo cáo là rất đau đầu, muôn hình vạn trạng lách luật. Nhưng phải nói rằng đây là gói có tác động đến số lượng đông nhất từ trước đến giờ, nhưng tiêu cực đến giờ là ít nhất”, ông Dung nói, đồng thời ví dụ, mới có 3 đơn vị có phản ánh tiêu cực.
“Có một đơn vị chi thiếu. Gia đình nhà người ta có 4 người nhưng chi cho 3 người. Thế là người ta làm um lên. Hoặc có những người nhà giàu ở cạnh nhà nghèo mà nhà giàu thì được còn nhà nghèo thì không. Còn có một tỉnh tình hình rất phức tạp. Với tỉnh này, tôi đã yêu cầu rà soát lại tất cả hộ nghèo và hộ cận nghèo, khi nào xong thì mới chi. Sẽ cho thanh tra toàn bộ, không phải chuyện đùa. Tôi báo cáo và Thủ tướng hoàn toàn ủng hộ ý kiến này”, ông Dung nói thêm.
Ông Dũng cũng đánh giá ở Hà Nội, cán bộ từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, tổ dân phố rất mẫn cán và trách nhiệm. Có những người đến nhà người dân 4 – 5 lần để xác minh thông tin, vận động người dân…
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị Hà Nội cần tiếp tục tập trung khẩn trương hỗ trợ cho nhóm lao động tự do; các trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động, hoãn hợp đồng lao động; các hộ kinh doanh cá thể…
Đặc biệt, ông Dung cho rằng không được chủ quan, nhiều khi chặng khó khăn nhất thì làm rất tốt, nhưng chặng dễ thì lại hay phát sinh nhiều cái tiêu cực.
“Chậm một chút nhưng chắc. Điều đầu tiên phải đúng, phải tăng cường giám sát, công khai minh bạch. Nếu như có rơi vào nhà dân, mà có không đúng đối tượng nhưng mà nhà nghèo thì không sao, nhưng đừng để rơi vào nhà quan, vào nhà ông tổ trưởng, bí thư chi bộ. Thế thì không còn đường nào mà nói. Cái này nó rất bé thôi nhưng mà tai tiếng cả đời”, ông Dung nói.
Tiền Phong