Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: Chúng ta có nhiều bài học 'xương máu'
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể dẫn dụ, rất nhiều dự án, công trình làm nhanh, bỏ qua một số giai đoạn chỉ mang tính thủ tục, nhưng qua thanh tra, kiểm toán, thì thấy, chỉ cần làm sai ngày tháng cũng bị nêu trong báo cáo là làm không đúng quy định.
Sáng 12/11, thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, không phải Bộ nào cũng làm chủ đầu tư như Bộ GTVT. Do đó tất cả các nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ giao cho Bộ thì đa số liên quan đến các dự án.
“Khi triển khai dự án, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ bao giờ cũng phải làm nhanh, bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng, cố gắng hoàn thành tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhưng hiện nay, nếu làm nhanh mà không đảm bảo đúng thủ tục, đúng quy định thì việc này không cho phép.
Chúng ta cũng đã có những bài học xương máu, rất nhiều dự án, nhiều công trình làm nhanh, bỏ qua một số giai đoạn mà chúng ta nghĩ rằng, giai đoạn đó chỉ mang tính thủ tục, không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình, nhưng vừa rồi khi thanh tra, kiểm toán, thanh tra ra thì thấy, chỉ cần làm sai ngày tháng cũng bị nêu trong báo cáo là làm không đúng quy định”, ông Thể tâm tư.
Tư lệnh ngành Giao thông viện dẫn sân bay quốc tế Long Thành, năm 2015 Quốc hội thống nhất chủ trương xây dựng. Sau đó, Bộ GTVT làm lại thủ tục xin chủ trương đầu tư, lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư, rồi trình lại cho các Bộ, ngành. Rồi thậm chí lập một dự án trình ngược lại, tức là lập dự án xong rồi, ở Bộ thẩm định xong rồi thì ở Bộ phải thống nhất rồi mới trình các Bộ ngành, thống nhất mới trình lên Chính phủ, rồi Uỷ ban TVQH và lên Quốc hội. Sau đó Quốc hội mới phê duyệt dự án…
“Khi Quốc hội có ý kiến rồi mới quay lại làm các thủ tục như chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành thẩm định… Tôi thấy một vòng đi lên để duyệt danh mục mất 6 tháng đến 1 năm, rồi một vòng ngược lại phê duyệt dự án mất cả năm nữa. Xong rồi mới bắt đầu đấu thầu, thiết kế dự án, chọn thầu, phê duyệt… mất cả 5- 9 tháng nữa, rồi mới phê duyệt được thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu xây lắp và chọn nhà thầu mới công bố trúng thầu… Tôi thấy quy trình hiện nay quá nhiều giai đoạn, nhưng rồi cuối cùng vẫn rất chậm”, ông Nguyễn Văn Thể giãi bày.
“Chúng ta cứ hỏi tại sao làm chậm? Xin thưa, Luật Đầu tư công hiện nay khi điều chỉnh lại thì đi theo quy trình đó. Việc này làm rõ trách nhiệm được của Bộ, ngành, địa phương thôi, chứ quy trình này không thay đổi thì chắc chắn dự án đầu tư công sẽ chậm, và có thể chậm gấp 2-3 lần so với dự án tư nhân.
Tư nhân quyết xong là làm luôn. Đây thông qua bao nhiêu ngành, nhưng ngành giao thông làm dự án chậm thì Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm toàn bộ, dự án của tỉnh thì tỉnh chịu trách nhiệm. Làm được phải qua quy trình lòng vòng như thế và kéo dài rất nhiều thời gian.
Chúng ta đang tiến tới cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Ở nước ngoài cấp giấy phép đầu tư tính từng giờ, từng ngày, thời gian là vàng bạc. Còn ở ta, dự án làm một vòng như thế thì nên nghiên cứu lại”, ông Thể nêu, đồng thời nhấn mạnh nếu quy trình không cải tiến ngắn gọn hơn để nhanh hơn, thì sẽ mất nhiều thứ, như mất thời gian và đội giá, trượt giá.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặt vấn đề: Họp Quốc hội cứ hỏi vì sao có tiền rồi mà chưa giải ngân được?
“Anh em không ai muốn làm trái, quy định bao nhiêu ngày là làm đúng bấy nhiêu ngày, sớm một ngày cũng là sai. Rồi trình tự hết cái này đến cái khác nên tôi đề nghị Luật Đầu tư công, ảnh hưởng lớn tới xã hội, vì sao hiện nay có tiền làm chậm, ta phải đặt bài toán này.
Luật Đầu tư công quản lý tốt hơn, nhưng trình tự thủ tục và các quy định hiện nay cũng như các nghị định cụ thể hoá Luật quá chậm. Cái này không trách được chủ đầu tư, ai mà không muốn dùng tiền để triển khai công trình nhưng phải tuân theo các quy trình thủ tục. Mong muốn của tôi là làm sao cho nhanh. Nghiên cứu lại thực tiễn để cho ngắn gọn lại, giao trách nhiệm để ông nào làm sai xử lý nghiêm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ mong muốn.
Tiền Phong