MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 là nhiễu loạn thị trường

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 là nhiễu loạn thị trường

Tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 4/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, đấu giá đất tại Thủ Thiêm với mức trúng đấu giá 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường và đây là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Liên quan đến hiện tượng đấu giá đất Thủ Thiêm bên hành lang Quốc hội, ông Phớc cho biết, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là trái tim của TP HCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng một m2.

Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng. "Mức giá này là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần", Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 là nhiễu loạn thị trường - Ảnh 1.

Khu đô thị Thủ Thiêm thuộc TP.Thủ Đức (quận 2 cũ) nằm bên bờ sông Sài Gòn, được quy hoạch thành 8 khu chức năng với công năng riêng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm, cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên Môi trường, kể cả vấn đề giá đất.

Phát biểu tại tổ khi nhắc tới việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nói, đấu giá 1m2 đất ở Thủ Thiêm mà 2,4 tỷ đồng là trường hợp "chưa bao giờ xảy ra". Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ đang giao các cơ quan nghiên cứu động thái này xem có bất thường không, còn nếu bình thường thì không sao.

Thời gian qua, trái phiếu doanh nghiệp huy động gấp đôi, ba lần trước đây, đạt 155.588 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Phớc cho rằng việc huy động trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng nên Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, với những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện phát hành sẽ tăng điều kiện phát hành, tránh làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường cảnh báo, kiểm tra, siết lại để lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.

"Vì nhiều trường hợp, vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", Bộ trưởng Phớc nhận xét.

Trong báo cáo đánh giá tác động của phiên đấu giá đất tại Thủ Thiêm vừa trình Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) nhấn mạnh, nghiên cứu xu thế trả giá của đa số các doanh nghiệp tham gia phiên này cho thấy, mức phù hợp để triển khai dự án chỉ gấp 2-4 lần khởi điểm.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn tham gia cũng không kịp trả giá lần này. Trong khi đó công ty trúng thầu đấu giá chỉ là doanh nghiệp tầm trung hoặc mới thành lập được một vài năm, thậm chí vừa mới lập.

Kết quả đấu giá có độ vênh rất cao (3,9-8,3 lần) từ mức khởi điểm đến mức đấu giá thành công. Diễn biến này theo HoREA, bộc lộ nhiều bất cập của các phương pháp xác định giá đất để định giá đất cụ thể để làm giá khởi điểm, hoặc để tính tiền sử dụng đất theo quy định. Hiệp hội này cũng cho rằng có nhiều kẽ hở trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhắc lại những khó khăn chưa có tiền lệ trong lịch sử của năm 2021. Nhưng đến nay, thu ngân sách vẫn đạt 1,5 triệu tỷ đồng, vượt dự toán kế hoạch.

Phần lớn trong số này là thu từ thuế, phí nội địa tăng 14,5%. Thị trường chứng khoán cũng khởi sắc với quy mô vốn hoá 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 46,5%. Giá trị giao dịch cổ phiếu cũng tăng đột biến, có những lúc trị giá mỗi phiên giao dịch khoảng 1 tỷ USD (hơn 22.000 tỷ đồng), cá biệt có ngày lên tới 2 tỷ USD (gần 45.000 tỷ đồng).

Đề cập tới mức tăng trưởng ấn tượng của thị trường chứng khoán vừa qua, ông Hồ Đức Phớc cho hay, có doanh nghiệp tăng chục lần trong khi thua lỗ liệu có hay không yếu tố đầu cơ, tăng ảo. Ông khẳng định, hiện Bộ Tài chính đang sửa Nghị định 163 để tránh những trường hợp các doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, làm thiệt hại đến các nhà đầu tư khác.

Bộ Tài chính đã có nhiều cảnh báo để các nhà đầu tư thận trọng với trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, tránh trường hợp bị lừa. Yêu cầu doanh nghiệp minh bạch thông tin, báo cáo tài chính, thông tin, làm ăn có lãi hay không, vốn vay trên vốn chủ sở hữu, tình hình tài chính có lành mạnh hay không, công khai với nhà đầu tư. Song, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc tăng quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán là tín hiệu tốt, sẽ là kênh huy động vốn tốt.

Đặng Hùng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên