MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Nền kinh tế nông nghiệp còn mù mờ về cung cầu, chưa đi vào quỹ đạo!'

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Ngày 4/3, tại toạ đàm "Để nông sản không bị ùn tắc ở cửa khẩu, đâu là giải pháp căn cơ", Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, ùn tắc ở các cửa khẩu ngoài yếu tố do Trung Quốc siết chặt, còn nguyên nhân từ chính nền kinh tế nông nghiệp mù mờ về cung cầu.

Cụ thể, sau Tết Nguyên đán, tình trạng ùn tắc hàng hóa ở các cửa khẩu tái diễn. Tại Lạng Sơn đến ngày 4/3 còn hơn 1.400 xe container hàng hoá chờ xuất khẩu, trong đó có 800 xe chở nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, bên cạnh yếu tố do Trung Quốc siết chặt phòng dịch, kiên trì chiến lược "zero Covid", còn có nguyên nhân từ chính nền kinh tế nông nghiệp của ta còn mù mờ về cung cầu, chưa đi vào quỹ đạo.

Ông nói: "Ta gần như đi buôn chuyến nhiều hơn, sản xuất và xuất khẩu nông sản chưa có tính kết nối cung cầu. Sản xuất tạo ra sản lượng mà không tìm kiếm thị trường, gắn nhu cầu thị trường nên buôn bán phụ thuộc sự may rủi".

"Giờ là lúc 'không thể một mình một chợ, mà phải cạnh tranh' bằng cách có lộ trình và hành động rõ ràng chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch, đường mòn lối mở sang chính ngạch".

Cũng tại đây, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Bình, cho biết, cần thời gian dài mới có thể thay đổi được thói quen kinh doanh "đã ăn sâu bám rễ", là xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường mòn lối mở, tiểu ngạch. "Mỗi hình thức có nhu cầu khách hàng riêng, trong khi để tiếp cận thị trường chính ngạch rất khó, cần phải có biện pháp hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp".

Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, "nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc. Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ càng khó khăn hơn". Bộ trưởng nhấn mạnh, ngay tuần sau, Bộ sẽ cùng các hiệp hội, ngành hàng bàn thảo xây dựng phương án chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Theo ông, để làm được điều này phải tổ chức lại ngành hàng, tổ chức lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics. Chẳng hạn, chọn Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu. Tỉnh sẽ giữ vai trò quản lý, còn đầu tư được xã hội hoá. Tại trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là chỉ kiểm tra một lần tại trung tâm rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên.

Khi xảy ra dịch bệnh, khu vực này là "vùng xanh", tức nông sản Việt vẫn bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn. Còn trường hợp xảy ra ùn ứ, nông sản sẽ được sơ chế, bảo quản tại kho lạnh để tránh hàng nằm ở container dẫn tới giảm chất lượng.

Hiện nay, chủ trương chọn Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trở thành trung tâm kết nối nông sản đã được hai Bộ Nông nghiệp, Công Thương trình Thủ tướng. Sau Quảng Ninh sẽ là Lạng Sơn.

Bên cạnh việc tạo lập nơi kết nối, khâu tổ chức, phát triển sản xuất theo chuỗi, hệ sinh thái và tín hiệu thị trường... cũng rất quan trọng. Định hướng xuất khẩu nông sản tới đây, lãnh đạo ngành nông nghiệp nhắc tới, là sẽ phát triển đề án riêng cho từng thị trường xuất khẩu trọng điểm, như Trung Quốc, EU...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ việc mong các hiệp hội, ngành hàng cùng giúp Bộ Nông nghiệp, Công thương tổ chức lại sản xuất, ngành hàng và tổ chức lại thị trường nông sản. Đây là giải pháp căn cơ và phải chấp nhận làm lại gần như từ đầu về một hệ sinh thái, một chuỗi ngành hàng nông sản.

"Trước nay chúng ta vẫn tư duy ngắn hạn, nên cứ thấp thỏm từng mùa vụ, như đánh bài may rủi. Rồi khi gặp vấn đề, chúng ta lại trách thị trường khó tính, gây ùn ứ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, chính chúng ta phải xem lại mình trước".

Bộ trưởng Nông nghiệp cũng khẳng định, sẽ thúc đẩy nhanh hơn việc đàm phán, ký kết nghị định về công nhận hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam để làm cơ sở thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch.

https://cafef.vn/bo-truong-le-minh-hoan-nen-kinh-te-nong-nghiep-con-mu-mo-ve-cung-cau-chua-di-vao-quy-dao-20220305083123069.chn

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên