MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Cải cách kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tốt sẽ tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng"

Ngày 13/10, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp về Dự thảo Đề án "Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn với hàng hóa nhập khẩu". Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, đề án sẽ là bước cải cách, tạo sự thông thoáng, minh bạch, cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khoá XIV đến nay đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Nhờ vậy, chi phí xã hội đã tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, khoảng hơn 6.3000 tỷ đồng/năm.

Song đến nay, vẫn còn 1.501 danh mục dòng hàng vẫn đang chồng chéo và cần các bộ, cơ quan tiếp tục chỉ đạo cải cách. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại rào cản trong các thủ tục nhập khẩu hàng hoá để gia nhập thị trường, khiến chi phí tăng, tốn kém cho xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh 2020, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giảm 4 bậc (từ vị trí 100 xuống vị trí 104/190 nước); chỉ số chung về môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng vẫn đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, việc cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số chung về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia rất cần có các giải pháp cụ thể.

Bộ trưởng nêu rõ: "Đề án theo hướng của cơ quan hải quan là đầu mối tại cửa khẩu, trừ các mặt hàng đặc thù (cơ quan hải quan không có khả năng kiểm tra động thực vật, những vật nhạy cảm...). Đối với những hàng hoá hải quan thực hiện kiểm tra được sẽ giao hết cho cơ quan. Nếu làm tốt, cải cách rất triệt để, tạo dư địa rất lớn cho tăng trưởng".

Đối với cơ sở pháp lý, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận định, phải xem xét các văn bản quy phạm pháp luật, những nội dung liên quan đến các luật thì phải báo cáo Quốc hội. Những vấn đề liên quan đến Chính phủ thì báo cáo Chính phủ. Lộ trình thực hiện sẽ tách ra theo từng giai đoạn, nếu thuộc phạm vi chức năng của Chính phủ thì làm trước; còn các phạm vi thuộc các luật thì báo cáo Quốc hội để trình một luật sửa nhiều luật.

Bộ trưởng đánh giá cao kết quả công tác kiểm tra chuyên ngành trong thời gian qua. Đáng chú ý, năm 2018 có gần 12 triệu hồ sơ xuất nhập khẩu. Trong đó, 5,3 triệu hồ sơ xuất khẩu giảm từ 58 giờ xuống 55 giờ; 57 triệu hồ sơ nhập khẩu giảm từ 62 xuống 56 giờ. Thời gian hàng hoá xuất nhập khẩu giảm hơn 34 triệu giờ, tiết kiệm khoảng 49 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, từ 8 dịch vụ công trực tuyến Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến nay đã có 1.598 dịch vụ công với 70,6 triệu người truy cập, 18,9 nghìn hồ sơ đồng bộ trên Cổng. Đây được coi là cơ sở quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân.

Cuối cùng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Mong rằng bước tiến đó, các vấn đề liên quan đến hải quan tiếp tục được cải thiện, tạo sự thông thoáng, minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Tinh thần tham gia cải cách nếu làm tốt, dư địa tăng trưởng của chúng ta rất thuận lợi".

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên