World Bank: Các quốc gia nghèo nhất đang phải vật lộn với 'bom' nợ khổng lồ
Theo WB, nợ của các nước nghèo nhất trên thế giới đạt mức 744 tỷ USD trong năm 2019, tăng 9,5% so với năm 2018, trong khi việc giảm nợ cho các quốc gia này rất chậm.
- 12-10-2020Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Việt Nam cần một hệ sinh thái chuẩn mực để doanh nghiệp tham gia vào những 'sân chơi' lớn
- 12-10-2020Hà Nội phấn đấu GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD năm 2030
- 12-10-2020Tốc độ giao hàng giảm mạnh hậu Covid-19, cơ hội nào cho các 'ông lớn' TMĐT như Shopee, Tiki, Lazada?
Sáng 12/10, phiên họp toàn thể Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế - Ngân hàng Thế giới (IMF-WB) đã khai mạc theo hình thức trực tuyến. Đây được coi là sự kiện quan trọng nhất trong năm, phối hợp giữa IMF và WB, quy tụ các Thống đốc Ngân hàng Trung Ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Giám đốc điều hành khu vực tư nhân, và các đại diện từ các tổ chức xã hội và các học giả để thảo luận về các vấn đề, các mối quan tâm toàn cầu.
Tại đây, WB cho biết nợ của 73 quốc gia nghèo nhất thế giới trong năm 2019 đạt mức 744 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2018. Điều này cho thấy sự cần thiết phải hợp tác giữa các chủ nợ và quốc gia vay nợ nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ công gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong năm 2019, tổng số nợ của các quốc gia nghèo nhất thế giới lên tới 178 tỷ USD. Đáng chú ý, phần lớn các chủ nợ chính phủ đều thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20. Trong đó, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất, chiếm tới 63% tổng số nợ.
Nền kinh tế các nước trên thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề do hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, cùng với việc các quốc gia đồng loạt đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan từ tháng 3. Đến giữa tháng 4, G20 và Câu lạc bộ Paris đã đồng ý thông qua Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất trong năm 2020.
Song, Chủ tịch WB, ông David Malpass nhận định, việc giảm nợ cho các nước nghèo vẫn hạn chế do không phải tất cả các chủ nợ đều tham gia đầy đủ. Cụ thể, mặc dù dự kiến trị giá của DSSI từ 8 tỷ đến 11 tỷ USD, chỉ 43 trong tổng số 73 quốc gia được hưởng khoảng 5 tỷ USD.
Đại diện WB nêu rõ, một số các nước cho vay trong G20 không muốn gia hạn DSSI thêm 1 năm. Vì vậy, trong cuộc họp ngày 14/10 của G20 sắp tới, nhiều khả năng Sáng kiến này chỉ được gia hạn thêm 6 tháng.
Cuối cùng, ông David Malpass kết luận, hiện nay nhiều quốc gia giàu hơn đang không làm tròn trách nhiệm giảm nợ cho các nước nghèo. Do vậy, cần đảm bảo minh bạch về các điều khoản nợ. Đồng thời, đại dịch Covid-19 có thể gây ra cuộc khủng hoảng nợ tại một vài quốc gia, vì vậy các nhà đầu tư cần lên kế hoạch cho các hình thức cứu trợ, trong đó có xoá nợ.
Nhịp sống kinh tế