MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Ngoại giao Anh từ chức, trút lời cay đắng vào lá thư 2 trang

10-07-2018 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Thủ tướng Anh Theresa May hôm 9-7 bổ nhiệm ông Jeremy Hunt vào vị trí bộ trưởng ngoại giao sau khi người tiền nhiệm Boris Johnson từ chức để chống đối kế hoạch quan hệ thương mại gần gũi với EU của chính quyền nước này.

Ông Hunt vốn giữ chức bộ trưởng y tế trong một thời gian dài, được coi là đồng minh thân cận với bà May. Việc đưa ông này vào vị trí thay thế ông Johnson có thể thay đổi sự cân bằng về câu chuyện Brexit trong nội các của nữ thủ tướng.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh từ chức, trút lời cay đắng vào lá thư 2 trang - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh mới được bổ nhiệm Jeremy Hunt. Ảnh: Reuters

Trong khi ông Johnson là một trong những nhân vật đứng đầu chiến dịch Brexit, ông Hunt từng ủng hộ nước Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU) trong chiến dịch trưng cầu dân ý năm 2016.

Tuy nhiên, hồi tháng 10-2017, ông Hunt nói trên đài phát thanh LBC Radio rằng ông đã đổi ý về vấn đề này, một phần bởi sự "kiêu ngạo" đáng thất vọng trong thái độ của EU trong suốt cuộc đàm phán.

Trong khi đó, báo chí Anh đang lan truyền bức thư từ chức 2 trang của ông Johnson với những cảnh báo mạnh về kế hoạch Brexit mềm của bà May một khi được thực hiện. Trong đó, cựu bộ trưởng ngoại giao viết rằng mặc dù ban đầu ông chấp nhận đề xuất Brexit của chính phủ nhưng giờ thì nó giống như "cái nghẹn ở cổ họng".

"Brexit nên là cơ hội và hy vọng. Nó nên là cơ hội để chúng ta làm mọi việc khác đi, nhanh hơn, năng động hơn và tận dụng tối đa những ưu thế của Anh với tư cách là nền kinh tế cởi mở, hướng ra toàn cầu"- ông viết.

Tuy nhiên, "giấc mộng đó đang chết dần, bị bóp nghẹt bởi sự tự ti không cần thiết".

Bộ trưởng Ngoại giao Anh từ chức, trút lời cay đắng vào lá thư 2 trang - Ảnh 2.

Ông Boris Johnson ký thư từ chức tại phòng làm việc. Ảnh: i-Images

Ông Johnson cho rằng London phải hoãn quyết định sống còn này lại, một quyết định mà ông cho rằng có thể dẫn tới kết quả "nửa Brexit". Theo đó, các khu vực kinh tế lớn của nước này sẽ tiếp tục bị khóa chặt trong hệ thống EU nhưng Anh lại không có bất kỳ sự kiểm soát nào với hệ thống đó.

Trong thư, ông Johnson thậm chí còn nhấn mạnh rằng nước Anh đang thực sự đâm đầu vào tình trạng thuộc địa và khó có thể thấy lợi ích chính trị hay kinh tế từ một thỏa thuận như vậy.

"Chính phủ có một bài ca phải hát. Vấn đề là tôi đã luyện tập suốt cuối tuần nhưng lời ca vẫn nghẹn ở cổ họng. Vì lương tâm không cho phép tôi bênh vực những đề xuất này, thật đáng buồn nhưng tôi đã quyết rằng tôi phải ra đi"- cựu ngoại trưởng cay đắng.

Ông Boris là vị bộ trưởng Anh thứ 2 từ chức trong vòng 24 giờ qua sau cuộc họp nội các về Brexit tại Chequers hôm 6-7.

Theo Đỗ Quyên

Người lao động

Trở lên trên