MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải nghịch lý 'con gà, quả trứng' đối với dòng vốn FDI vào Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn những nút thắt chưa được tháo gỡ khi doanh nghiệp trong nước yêu cầu phải có đơn hàng mới dám đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài thì cần có điều kiện mới ký kết.

Tại diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ 3 diễn ra ngày 29/9, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam PGS.TS Trần Đình Thiên đã đặt ra vấn đề, mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá khá tích cực, nhưng vì sao ngay cả trong điều kiện bình thường, trong giai đoạn trước đại dịch, cơ hội đến nhiều lần nhưng chúng ta vẫn chưa tận dụng tốt?

Trả lời câu hỏi này, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới, ông Jacques Morisset cho rằng Covid-19 là chất xúc tác buộc Việt Nam phải cải cách nhanh chóng hơn. 

"Khi nhìn vào lịch sử của Việt Nam trong vòng 3 thập kỷ vừa qua, chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam đã làm rất tốt, đặc biệt trong những trường hợp cần phải hành động khẩn cấp.

Như trong thời gian vừa rồi, Việt Nam đã cải cách chính phủ điện tử nhanh hơn, chuyển sang hệ thống thanh toán điện tử mạnh hơn so với giai đoạn 3-4 năm vừa qua. Do vậy, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội, nhất là trong những giai đoạn này", ông nói thêm.

Trong khi đó, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam nhận định bà đánh giá cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

"Tôi nhận thấy tinh thần doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần chủ động. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chớp những cơ hội nhỏ trong thách thức lớn".

Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cơ hội và thách thức là hai yếu tố luôn đồng hành và đan xen nhau. Vấn đề là chúng ta có thể hành động ngay để nắm bắt, để hiện thực hoá các cơ hội đó hay không.

Thứ hai là cơ hội chúng ta có lẽ cũng phải nhìn ở một diện rộng hơn, không chỉ là vấn đề thị trường, chuyển dịch đầu tư, mà còn là vấn đề năng lực của các doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, Bộ trưởng chỉ ra việc mở cửa thị trường nếu mở nhanh quá hay độ mở quá lớn sẽ không những không thúc đẩy kinh tế mà còn có tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.

Đáng chú ý, Bộ trưởng nêu rõ, không chỉ thu hút FDI, mà còn phải đảm bảo FDI gắn kết với nền kinh tế trong nước, có tác động lan toả và phải tạo nên liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một vấn đề rất khó. Lý giải về điều này, ông chỉ ra các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều mang theo chuỗi cung ứng của họ vào sản xuất cùng, do đó doanh nghiệp Việt Nam không thể kết nối.

Ông nhận định, đây là câu chuyện 'con gà, quả trứng'. Bởi vì doanh nghiệp trong nước thì muốn có đơn hàng mới dám đầu tư. Doanh nghiệp nước ngoài thì yêu cầu phải có điều kiện mới ký kết.

Cuối cùng, Bộ trưởng kết luận, chúng ta cần đóng góp ý kiến làm sao để thu hút đầu tư nước ngoài phải gắn với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tạo các lan toả trên thị trường Việt.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên