Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số y tế để giảm quá tải bệnh viện tuyến trên
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh sự đi đầu của ngành y tế trong chuyển đổi số sẽ mang tới những gì thuận tiện nhất, tốt đẹp nhất cho người dân, thu hẹp khảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa miền xuôi và miền ngược.
- 30-12-2020Phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ 2025
- 30-12-2020UKVFTA chính thức có hiệu lực từ 23 giờ ngày 31/12
- 30-12-2020Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới chỉ ra nhân tố phi y tế giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng
Ngày 30-12, tại hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia năm 2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6-2020 thì giáo dục và y tế được xếp ở vị trí đầu tiên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây là 2 lĩnh vực động chạm đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất. Đồng thời, đây là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển, vì thế chuyển đổi số sẽ phát huy hiệu quả nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo của ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng là sự phát triển mang tính đột phá. Các điểm đột phá được Bộ trưởng chỉ ra như: Chuyển đổi số sẽ đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện, tạo ra một không gian hoạt động hoàn toàn mới; làm thay đổi cách chúng ta vận hành công việc và cuộc sống; càng nhiều người dùng thì càng rẻ, càng dùng thì càng giỏi lên, công nghệ càng phát triển; làm cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất, nhưng với giá rất rẻ; mỗi người, mỗi doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, và vì thế thúc đẩy tất cả mọi người sáng tạo, kinh doanh...
Về chuyển đổi số y tế hay còn gọi là y tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử, nhưng có tính đột phá. Cụ thể, y tế điện tử sử dụng công nghệ thông tin và trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ y tế, như bệnh viện, nhưng cách thức vận hành cơ bản vẫn như cũ.
Trong khi đó, y tế số thì dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Do vậy, bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng, dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên thì nay sẽ trở thành tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khoẻ.
"Y tế vốn do Nhà nước đầu tư là chính thì nay sẽ có thêm nguồn lực là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực y tế, riêng quý III/2020 vốn đổ vào lĩnh vực này đã gần 7 tỉ đô la"- Bộ trưởng Bộ TT-TT nói và dẫn chứng các ứng dụng sức khỏe để người bệnh tự quản lý các bệnh mãn tính của mình do các doanh nghiệp phát triển. Đến cuối năm 2018, thế giới đã có thể truy nhập 250.000 các ứng dụng y tế số khác nhau, rất dễ sử dụng và phù hợp với các nhu cầu cá thể hóa của người bệnh.
Theo người đứng đầu Bộ TT-TT, y tế số thì có thể giải được bài toán chăm sóc sức khỏe cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá. "Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại, chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hóa ước mơ này"- Bộ trưởng cho hay.
Việt Nam mới có 8 bác sĩ trên một vạn dân, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, bằng cách triển khai phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở một xã của Ninh Bình đã có thể tiếp cận được hàng ngàn bác sĩ giỏi trên toàn quốc để tư vấn 24/24h. Lãnh đạo Bộ T-TT đặt vấn đề đây có phải cách để giải quyết một phần việc thiếu bác sĩ, nhất là ở vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, việc kết nối bệnh viện tuyến dưới với các bệnh viện tuyến Trung ương, qua đó các bác sĩ tuyến trên có thể chẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn mổ từ xa, từ đó giải quyết thực trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, người dân không phải tập trung về Hà Nội, TP HCM và các TP lớn khác.
"Chúng ta có hàng trăm ngàn bác sĩ, nếu chúng ta có thể kết nối họ với các hộ gia đình, mỗi bác sĩ 200-300 hộ gia đình, thì mỗi hộ gia đình đều có thể kết nối với bác sĩ của mình, có thể tư vấn khám bệnh từ xa, và như vậy, sẽ dần tiến tới mô hình bác sĩ gia đình kiểu mới"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nhưng để thực hiện được điều này, để kết nối hàng trăm ngàn bác sĩ tới hơn 25 triệu hộ gia đình thì phải là một nền tảng công nghệ số, cung cấp dịch vụ kết nối và quản lý, không cung cấp dịch vụ tư vấn khám bệnh.
Nền tảng đó tạo ra công cụ để hàng ngàn bác sĩ có thể kết nối để tận dụng thời gian, tri thức và kinh nghiệm của mình cho việc tư vấn người bệnh. "Nếu như dữ liệu khám bệnh mấy chục năm qua của tôi được lưu trữ, được phân tích thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ mỗi lần thăm khám. Chuyển đổi số y tế sẽ giúp hình thành lên một con người số y học của mỗi chúng ta. Trên những con người số y học này thì việc khám chữa bệnh, dự báo trước, quản lý y tế quốc gia, chăm sóc y tế cá nhân hoá, v.v... sẽ có sự thay đổi căn bản và rất căn bản. Những giá trị mới mà nó mang lại sẽ vô cùng to lớn cho người dân"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số sinh ra khái niệm nền tảng, mà một nền tảng đó sẽ dùng chung cho các bệnh viện, dùng chung cho mọi người bệnh. Không như trước đây, một việc như nhau, một vấn đề giống nhau nhưng được giải quyết bằng hàng ngàn phần mềm khác nhau ở các bệnh viện.
Theo phân tích của Bộ trưởng, việc triển khai nhanh nền tảng dùng chung đó, sớm mở rộng thì mức giá trên đầu người ngày càng rẻ. "Chương trình chuyển đổi sô 1uốc gia coi nền tảng là giải pháp chính để đẩy nhanh chuyển đổi số. Bộ Y tế nên khởi động chuyển đổi số bằng một số nền tảng để giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất của ngành y"- Bộ trưởng gợi mở và cho rằng, chuyển đổi số y tế mà hôm nay chúng ta đang bàn và đang làm là hướng đi vô cùng tích cực để phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình trong lĩnh vực y tế.
Năm 2020, ngành y tế đã có những thay đổi về chuyển đổi số nhiều hơn so với hàng chục năm trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT-TT được Thủ tướng Chính phủ giao dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, trong đó có chuyển đổi số các ngành. Bộ TT-TT cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số.
"Bộ Y tế hãy giao nhiệm vụ cho Bộ TT-TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của lĩnh vực y tế. Việt Nam có một lực lượng các doanh nghiệp công nghệ số hùng hậu với gần 60.000 doanh nghiệp và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành y tế" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Trước khi kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ TT-TT nhấn mạnh sự đi đầu của ngành y tế trong chuyển đổi số sẽ mang tới những gì thuận tiện nhất, tốt đẹp nhất cho người dân, thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa miền xuôi và miền ngược.
Người Lao Động