MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Làm lãnh đạo thời chuyển đổi số giống như lái xe ô tô, nếu hỏng một trong 3 yếu tố này là hỏng hết

31-07-2024 - 06:44 AM | Kinh tế số

Bộ trưởng nhấn mạnh, làm lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi số cần phải có đích, có ngôi sao dẫn lối, xử lý tình huống hàng ngày tốt và đi nhanh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Làm lãnh đạo thời chuyển đổi số giống như lái xe ô tô, nếu hỏng một trong 3 yếu tố này là hỏng hết- Ảnh 1.

Sáng ngày 30/7/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì lớp bồi dưỡng "Lãnh đạo thời chuyển đổi số" cho lãnh đạo cấp Trưởng các đơn vị thuộc Bộ.

Tại lớp bồi dưỡng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ các quan điểm, giá trị cốt lõi, tư duy chiến lược và vị trí, vai trò của người lãnh đạo tại một đơn vị, một tổ chức trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Bộ trưởng cho rằng, người lãnh đạo là người đi đầu, phải làm gương, phải là người đầu tiên va đập với các thách thức, phải có tư duy con đường, phải nhìn ra được đích đến. Song, hành trình vẫn quan trọng hơn đích đến, vì trên hành trình đó người lãnh đạo được trải nghiệm, ngộ ra những giá trị mới, giúp họ đưa ra những chiến lược và quyết định đúng đắn.

Bộ trưởng cũng chỉ rõ sự khác biệt giữa triết lý phương Đông và phương Tây cũng như tầm quan trọng của việc hiểu rõ và áp dụng các triết lý này trong công tác lãnh đạo. Theo đó, làm lãnh đạo thì phải "dung" được người. Làm lãnh đạo thời chuyển đổi số thì phải "dung" được sự thay đổi. Muốn vậy thì phải "dung" được hai phương thức tư duy phương Đông và phương Tây.

Bộ trường giải thích, "dung" ở đây có nghĩa là hiểu. "Dung được người khác" có nghĩa là hiểu được người khác, người ấy khác biệt mình, có thể giỏi hơn mình, có những thứ mình không có. Muốn "dung được sự thay đổi" thì phải hiểu được sự thay đổi, hiểu được xu thế thời đại.

Người lãnh đạo cần phải biết kết hợp phương thức tư duy phương Đông và phương Tây, hai cách tiếp cận khác nhau nhưng bổ sung cho nhau: Phương Tây phân tích chi tiết, còn phương Đông tập trung vào tổng thể. Sự kết hợp cả hai sẽ giúp tổ chức vừa có cái nhìn chi tiết, vừa có bức tranh tổng thể.

Người làm lãnh đạo phải biết kết hợp hai cách tư duy để tạo ra phương thức lãnh đạo hiệu quả nhất. Chẳng hạn, triết lý phương Đông dựa vào trực giác còn triết lý phương Tây dựa vào lý luận logic. Trong thời kỳ có nhiều thay đổi, thời kỳ của đổi mới sáng tạo thì trực giác tốt hơn. Do đó, trong một tổ chức khuyến khích người trực giác nêu các ý tưởng sáng tạo. Người có logic thì lọc các ý tưởng sáng tạo để tìm ra cái tốt nhất. Việc ổn định, mang tính thường xuyên thì giao cho người logic làm. Việc mới, chưa có tiền lệ thì giao cho người trực giác.

Về sự khác biệt văn hoá Đông, Tây, Bộ trưởng nhấn mạnh, người châu Á đề cao sự "hòa đồng", hòa đồng với nhau và hòa đồng với vũ trụ. Tuy nhiên, cuộc sống chỉ có sự hòa đồng thì không phát triển được. Từ góc nhìn đó, ban lãnh đạo một tổ chức nên có những lãnh đạo khác biệt nhau để có nhiều góc nhìn khác nhau, có phản biện cần thiết. Ban lãnh đạo có sự đa dạng như vậy thì tổ chức mới bền vững và phát triển.

Bộ trưởng nhấn mạnh đến vai trò của lý luận để thúc đẩy một tổ chức phát triển vì không có lý luận dẫn lối thì không đi xa được, không dẫn dắt được nhiều người. Do đó, phát triển một Đất nước, một ngành cũng phải có lý luận làm điểm tựa để đi được chặng đường dài. Bộ đang giao Cục Chuyển đổi số quốc gia xây dựng lý luận về chuyển đổi số, lấy đó làm ngọn cờ, cẩm nang để ra quyết định lớn. Sau đó thì làm thí điểm thành công rồi tiến tới phổ cập. Lý luận phải dựa trên xu thế thời đại, tri thức nhân loại, kết hợp với thực tiễn Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Lý luận đóng vai trò quan trọng nhưng "hành" (thực hành) cũng rất cần thiết, phải phối hợp cả lý luận và thực hành thì mới hiệu quả. Triết lý phương Tây coi thực nghiệm là quan trọng, do đó phát triển về công nghệ. Đây là điểm mạnh của phương Tây mà ta phải học. Người làm lãnh đạo phải tạo điều kiện cho nhân viên trong tổ chức được thử nghiệm nhiều lần để tạo ra cái mới, tạo ra sự đột phá.

Đặc biệt trong thời đại công nghệ số thì thực hành, thực nghiệm càng đóng vai trò quan trọng, vì "hành" là cách học tốt nhất, "hành" mới làm cho mình ngộ ra.

Cuối cùng, Bộ trưởng kết luận, làm Lãnh đạo trong thời kỳ chuyển đổi số cần phải có đích, có ngôi sao dẫn lối, xử lý tình huống hàng ngày tốt và đi nhanh. Giống như lái xe ô tô vậy, nếu một trong 3 yếu tố trên hỏng là hỏng hết.


Thục Trinh

An ninh Tiền tệ

Trở lên trên