MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mobile Money sẽ giải quyết bài toán thanh toán không tiền mặt đến 100% người dân nhưng lại thách thức ngân hàng

05-04-2019 - 16:41 PM | Tài chính - ngân hàng

Đây là một ví dụ được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra về việc công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức và thậm chí có thể thay thế mô hình kinh doanh cũ. Và vấn đề là Chính phủ có dám chấp nhận những mô hình kinh doanh mới này hay không, và nếu chấp nhận nhưng chậm trễ cũng sẽ không có nhiều giá trị.

Tại Diễn đàn CEO 2019: Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo - bứt phá từ tư duy đến hành động, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu, trong đó đề cập tới vấn đề doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dưới góc nhìn kinh tế số. 

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số như là yếu tố sản xuất chính, sử dụng mạng Internet, mạng thông tin làm không gian hoạt động và sử dụng ICT, tức viễn thông và công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nền kinh tế. 

Theo ông Hùng, nói đơn giản, kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số. Đây là quá trình tiến hóa lâu dài, là quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia, ở nhiều mức độ khác nhau mọi lĩnh vực,, mọi cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ sử dụng công nghệ số để làm tốt hơn công việc của mình. 

"Cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Dùng camera để giảm người bảo vệ, đó là kinh tế số. Tự động tưới cây khi đất khô, đó cũng là kinh tế số. Dùng văn bản điện tử thay thế cho giấy tờ là số hóa nền kinh tế", ông nói. 

Vậy ai sẽ làm những việc này? Câu trả lời là những doanh nghiệp công nghệ số. Bởi vậy, theo ông cần phải khởi nghiệp công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam. Dùng công nghệ số để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam. Và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu.

"Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề và vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể ngay trong hàng ngày ở mỗi chúng ta và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết bài toán của mình. Công nghệ số cũng sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ", ông nói. 

Ví dụ, Uber đang thách thức taxi truyền thống, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống Mobile Money thanh toán mua hàng giá trị nhỏ sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân nhưng lại thách thức ngân hàng

Vị Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận những mô hình kinh doanh mới này hay không? Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có nhiều giá trị. Bởi vậy, số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.

Đầu tiên là phải chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới trên thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện. Cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được, nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác, đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không còn cơ hội để thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ, nhưng chúng ta cũng không có quá nhiều thứ để mất và đó là cơ hội của chúng ta.

Như vậy, dưới góc nhìn kinh tế số thì đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp tập trung vào chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp số. Chính phủ thì tập trung vào tạo môi trường pháp lý cho phép các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các công nghệ mới đột phá.

"Những thách thức đổi mới sáng tạo là rất lớn nhưng cơ hội của những nước đang phát triển như chúng ta lại lớn hơn, và đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng và trở thành nước phát triển vào năm 2045", ông nói. 

Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên