Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sửa Luật Viễn thông tạo nền tảng phát triển kinh tế số
Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra.
- 27-05-2023Kinh tế số chiếm 17,5% trong cơ cấu GRDP Đà Nẵng
- 25-05-2023"Kinh tế số là định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam"
- 24-05-2023Tận dụng cơ hội từ kinh tế số
Sáng 2-6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã trình bày tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Dự thảo Luật gồm Luật gồm 10 chương, 74 điều.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sau hơn 12 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tờ trình dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với bối cảnh mới có nhiều thay đổi, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu mới và khắc phục các vướng mắc trong công tác thực thi, quản lý nhà nước thời gian qua.
Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, việc sửa đổi, bổ sung luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã quy định các vấn đề về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây. Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT, pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Vì vậy chưa phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, theo đó trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây cùng với hạ tầng viễn thông tạo thành hạ tầng số thống nhất, quan trọng của nền kinh tế số, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, xử lý và truyền đưa thông tin.
Trên thế giới, một số nước như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... cũng quy định dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây là dịch vụ viễn thông và quản lý theo pháp luật về viễn thông. Bên cạnh đó, các dịch vụ này hiện nay có mức tăng trưởng doanh thu cao, tại một số quốc gia trên thế giới, các dịch vụ này có doanh thu khoảng 65% so với doanh thu dịch vụ viễn thông và dự kiến đến 2025 sẽ vượt doanh thu dịch vụ viễn thông.
Về nội dung cụ thể khác, Bộ trưởng cho biết dự thảo Luật quy định hình thức cấp phép và các điều kiện cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng; quy định điều kiện cấp phép chặt chẽ đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, sử dụng tài nguyên viễn thông và mạng vệ tinh để bảo đảm an toàn, an ninh.
Dự thảo cũng tập trung quy định các vấn đề mới để thúc đẩy phát triển viễn thông như: Xác định hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây là một phần quan trọng của hạ tầng số; Điều chỉnh hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông qua vệ tinh theo nguyên tắc quản lý chặt, đảm bảo an ninh, chủ quyền quốc gia, phù hợp với cam kết quốc tế; Điều chỉnh hoạt động bán buôn trong viễn thông để đảm bảo thúc đẩy thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) theo nguyên tắc tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh. Đối với các nội dung mới có thể phát sinh trong tương lai như Internet thế hệ mới, mô hình hoạt động viễn thông mới, dự thảo Luật bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Chính phủ ban hành các quy định điều chỉnh mới theo nguyên tắc phù hợp với quy định chung đã có của Luật.
Ngoài ra, dự thảo Luật kế thừa các quy định của Luật hiện hành về việc duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật sẽ tiếp tục rà soát để khắc phục những bất cập của việc triển khai hoạt động của quỹ trong giai đoạn trước, đảm bảo không chồng chéo với nội dung và nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Cụ thể: Xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của Quỹ, các quy định về đóng góp và giải ngân thực hiện theo nguyên tắc thu và chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi thì không thu để tránh tồn dư quỹ.
Người lao động