MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Cần 400.000 tỷ hiện thực hóa quy hoạch cảng hàng không

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, để phát triển cảng hàng không cần tới 400.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực của ACV chỉ đáp ứng được khoảng 60%. Do đó, để triển khai các cảng hàng không cần nguồn lực rất lớn từ xã hội hóa.

Chiều 6/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Liên quan đến ngành giao thông vận tải (GTVT), đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh cho biết, tăng trưởng GTVT hàng không là xu thế và mong muốn của nhiều địa phương hiện nay. Tỉnh Hà Tĩnh cũng có nhu cầu là xây dựng sân bay. Tuy nhiên, ngân sách của Trung ương có hạn nên việc huy động xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này là rất cần thiết. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết quan điểm về vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ GTVT đồng tình với quan điểm xã hội hóa các cảng hàng không. Hiện nay, theo quy hoạch trong phát triển cảng hàng không trong giai đoạn 2021-2030 thì cần tới 400.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nguồn lực của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ đáp ứng được khoảng 60%. Do đó, để triển khai các cảng hàng không cần nguồn lực rất lớn từ xã hội hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Cần 400.000 tỷ hiện thực hóa quy hoạch cảng hàng không - Ảnh 1.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội.

"Bộ GTVT được Chính phủ giao đề án xã hội hóa cảng hàng không và đặt ra nguyên tắc xã hội hóa cùng với điều chỉnh quy hoạch. Vừa qua, chúng tôi cũng đã bổ sung thêm một số địa phương có tiềm năng để phát triển cảng hàng không để thực hiện xã hội hóa", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, khi thực hiện xã hội hóa vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, phải có các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tư nhân. Bởi thực tế, đầu tư vào lĩnh vực hàng không rất khó đảm bảo hiệu quả.

"Xã hội hóa cảng hàng không phải đảm bảo nguyên tắc về quốc phòng, an ninh; đảm bảo quyền quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng và quyền định đoạt kết cấu hạ tầng giao thông khi quốc gia, dân tộc có vấn đề", Bộ trưởng cho hay.

Huy động các nguồn lực triển khai 3 tuyến đường sắt tỷ USD

Trong khi đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đặt vấn đề, đường sắt kết nối với các cảng biển, sân bay, các khu công nghiệp rất quan trọng. Việc thúc đẩy vận tải đường sắt khối lượng lớn, an toàn sẽ giảm tải cho đường bộ. Quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đề ra một số tuyến đường sắt kết nối như Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Biên Hòa, Vũng Tàu, Long Thành...

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng thông tin về kế hoạch gì để triển khai đầu tư các tuyến đường sắt.

Trả lời, người đứng đầu ngành GTVT nêu rõ, đối với dự án đường sắt tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, hiện nay, Bộ GTVT đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, chi phí đầu tư là 5 tỷ USD từ nguồn vốn ngân sách và ODA.

Đối với tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, kết nối sân bay Long Thành và TP.HCM. Dự kiến, kinh phí đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD và có thể thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Còn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT đã lập quy hoạch, tổng mức đầu tư khoảng 6,5 tỷ USD đối với đường đơn và đối với đường đôi hoàn chỉnh thì khoảng 10-11 tỷ USD.

"Đây là những dự án có kinh phí rất lớn. Do đó, Bộ GTVT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Quốc hội để làm sao chúng ta kêu gọi tất cả nguồn lực để triển khai", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Vũ Phạm

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên