Đại biểu Quốc hội chất vấn về 'nỗi buồn' trên cao tốc 200km không trạm dừng
Chiều 6/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ.
- 06-11-2023Cần tháo gỡ nút thắt, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
- 06-11-2023Phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành và vượt 3.000 km đường cao tốc
- 06-11-20232 tỉnh ở cửa ngõ Tây Bắc sở hữu “kho báu” hiếm có trên thế giới: Từ tỉnh nghèo đến mốc tăng trưởng kinh tế gấp trăm lần, động thái mới về làm sân bay
Cao tốc "vừa chạy, vừa xếp hàng, vừa thi công"
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu vấn đề, Nghị quyết 100 của Quốc hội yêu cầu đánh giá tổng thể và đầu tư nghiên cứu để nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ 2 làn xe hoặc 4 làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp thành đường ô tô phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc theo quy định. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết, việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp không", Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đặt câu hỏi.
Tương tự, đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km đi vào vận hành và lưu thông nhưng lại chưa bố trí trạm dừng chân. Theo phản ánh của người dân và cử tri, khi lưu thông trên tuyến đường cao tốc này, không biết phải "giải quyết nỗi buồn" như thế nào.
Trả lời chất vấn đại biểu về trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu "vừa chạy, vừa xếp hàng, vừa thi công" nên toàn bộ giai đoạn 1 gần như không có trạm dừng nghỉ.
Hiện nay, Bộ đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư. 9 trạm dừng nghỉ thuộc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong năm 2023-2024, 15 trạm của giai đoạn 2 chắc chắn sẽ đảm bảo tiến độ và phù hợp thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, trong nhiệm kỳ này đã dành trên 375.000 tỷ đồng để triển khai xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó, chủ yếu là xây dựng cao tốc, tuy nhiên, mới đáp ứng được 75% nhu cầu. Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi.
Theo đó, nguyên tắc đầu tiên là ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh các đoạn, tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như Hà Nội - Hải Phòng, Phan Thiết - Dầu Giây… Nguyên tắc thứ 2 là phân kỳ đầu tư với các đoạn, tuyến có nhu cầu chưa cao trong giai đoạn đầu khi đưa vào khai thác. Nguyên tắc thứ 3 chỉ phân kỳ mặt cắt còn tất cả các yếu tố kỹ thuật để khi nâng cấp phải đảm bảo. Nguyên tắc thứ 4 là phải giải phóng mặt bằng một lần.
Ông Thắng cũng cho biết đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu báo cáo Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung danh mục, nguồn vốn tăng thu ngân sách 2022 để mở rộng 2 tuyến đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Na Sơn - Hoàn Liên.
Sẽ thay đổi tốc độ tối đa trên cao tốc từ 80 lên 90km/h
Đai biểu Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc được các doanh nghiệp và cử tri rất quan tâm. Tại sao nhiều tuyến đường cao tốc chỉ cho phép tối đa là 80 km/giờ, như vậy là chưa giảm thiểu tối ưu vận tải và thời gian lưu thông?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay Việt Nam có tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, gồm 4 giới hạn tốc độ: 120km/h, 100km/h, 80km/h và thấp nhất là 60km/h, phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật.
Nhiều tuyến đường nếu đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh, theo quy hoạch có thể chạy 120km/h như Hạ Long - Móng Cái hay Hà Nội - Hải Phòng. Hay cùng tuyến mà đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ chạy 100km/h còn Cầu Giẽ - Ninh Bình chạy 120km/h. Lý do, theo ông Thắng, chỉ cần thêm yếu tố độ nhám là có thể từ 100 lên 120km/h.
Bộ trưởng cho biết, từ đầu năm 2023 đã cho nghiên cứu và thấy các tuyến đường hiện quy định 80km/h có thể nâng lên 90km/h. Do đó, Bộ đã điều chỉnh lại quy hoạch, tiêu chuẩn đường cao tốc và trong quý 1/2024 sẽ thay đổi tốc độ tối đa các tuyến cao tốc từ 80 lên 90km/h.
Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, tại Nghị quyết số 62, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ GTVT đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành. Giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này là thế nào?
Đối với phần chất vấn này, Bộ trưởng GTVT khẳng định, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ đã quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn của 8 dự án BOT, nhiệm vụ này đã được triển khai từ lâu nhưng có nhiều vấn đề phức tạp.
Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ban hành kết luận, yêu cầu Bộ GTVT và Chính phủ giải trình một số vấn đề trong đó, ngoài 8 dự án trên, các địa phương có gặp khó, cần làm rõ để có giải pháp tháo gỡ; làm rõ nguồn vốn, các vấn đề liên quan đến pháp lý. Bởi 8 dự án đều triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực, hiện nay Bộ GTVT đã tích cực triển khai các bước tháo gỡ khó khăn trong đó, nhà đầu tư cần hy sinh lợi nhuận, ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo tồn vốn…
Bộ GTVTđã tổng hợp và giải trình cụ thể, sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11, hy vọng trong thời gian sớm nhất, Chính phủ sẽ trình Quốc hội tháo gỡ 8 dự án BOT này.
Phụ nữ Việt Nam