MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nông nghiệp họp khẩn để "giải cứu" ngành chăn nuôi heo

24-04-2017 - 13:25 PM | Thị trường

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã triệu tập cuộc họp gấp vào sáng nay 24-4 để “giải cứu” ngành chăn nuôi heo khi giá thịt ở Việt Nam đang rẻ nhất thế giới.

Sáng nay 24-4, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị tìm giải pháp để “giải cứu” ngành chăn nuôi heo khi giá thịt ở Việt Nam đang rẻ nhất thế giới.

Tham dự hội nghị còn có nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi; doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt như: CP Việt Nam, Dabaco Việt Nam, Massan, Lái Thiêu…

Đánh giá về tình hình nguy cấp của ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT cho biết hiện nay các sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong nước đã vượt xa sức tiêu thụ của thị trường nội địa. Trong đó đặc biệt là mặt hàng thịt lợn đang đối mặt với những bất lợi rất lớn về thị trường. Giá lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110 kg/con) đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới.

“Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và cũng đang là giá thấp nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài thì phần lớn các hộ chăn nuôi và ngay cả những hộ trang trại lớn cũng sẽ không trụ được”- ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định.

Theo đại diện Công ty CP Việt Nam, để "giải cứu" thịt lợn, công ty CP đã tăng cường bán thịt theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu.

“Tuy nhiên, một số nông dân đang cố gắng vay mượn để giữ đàn lợn, mong rằng bán được đi nước ngoài. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, để người nông dân có hướng chăn nuôi. Công ty CP cũng hứa sẽ giảm đàn lợn và giá thức ăn để giúp người nông dân”- đại diện Công ty CP Việt Nam cho hay.

Đại diện Công ty Dabaco cho biết đơn vị này đã giảm giá thức ăn 5-7% từ tuần trước, giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra. Không tiếp tục tăng đàn, nhưng áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất lợn nái. Dabaco đang tính toán xây nhà máy giết mổ lợn, sẽ triển khai trong năm 2017.

Dabaco kiến nghị Bộ NN-PTNT cần xây dựng hệ thống thông tin thị trường để cảnh báo cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp. Dabaco đã dự báo năm 2017 thị lợn sẽ khó khăn nhưng không thể hình dung ra thị trường lại tụt giảm sâu như hiện nay. Vì vậy, phải tạm dừng nhập khẩu để giải quyết nguồn cung dư thừa thịt lợn hiện nay để dành thị trường cho thịt lợn nội địa. Dabaco cũng đồng tình giảm đàn nái, không để phát triển ồ ạt. Cuối cùng là thành lập hiệp hội chuyên về chăn nuôi heo.

Ông Võ Anh Dũng, đại diện Công ty Nam Hà Nội, cho rằng hiện nay bà con hy vọng xuất khẩu được nên họ không giảm đàn nái. Do vậy, phải chấp nhận “đau thương” để giảm đàn nái.

“Hỗ trợ tốt nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua. Chúng tôi đang hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách mua cao hơn giá thị trường 2 giá là 23.000 đồng/kg”- ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, tại tỉnh Hà Nam hiện chỉ có 1,5 triệu đồng/con lợn mà không bán được. Giá lợn Việt Nam hiện nay là rẻ nhất thế giới. “Chúng tôi cũng sẽ giảm giá bán thịt từ ngày mai, giảm giá bán thịt cho các trường học, cho nhóm công nhân… Họ vẫn được ăn thịt sạch với giá bình dân”- ông Dũng cho hay.

Bà Kim Ánh, đại diện Công ty Lái Thiêu, cho biết doanh nghiệp này hỗ trợ tiền thanh toán cho khách hàng, cho người dân nợ, giảm chi phí sản xuất, các chi phí khác, chi phí quản lý. “Kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi vay vốn, đỡ chi phí. Giá nguyên liệu đầu vào, bã đậu nành đang chịu thuế 2%, đề nghị xem lại mức thuế này”- bà Kim Ánh nói.

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, cho biết dù giá heo của nông dân bán giảm thê thảm nhưng giá thịt trên thị trường vẫn không giảm giá bao nhiêu, vậy đây là vai trò của Bộ Công Thương.

Ông Lịch cũng cho rằng cần giảm giá thức ăn để giúp đỡ người chăn nuôi, chia sẻ với họ. Ông kêu gọi các thành viên giảm giá thức ăn chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng đề nghị giảm giá thức ăn chăn nuôi. Doanh nghiệp thu mua cố gắng tăng cường thu mua lợn quá lứa.

“Chúng tôi sẽ làm việc với Đồng Nai, lắng nghe và thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn. Bộ đang giao Cục Thú y tạo ra các vùng an toàn dịch bệnh để xúc tiến xuất khẩu thịt lợn. Chúng tôi làm việc với TP HCM, các cơ sở chế biến, tiêu thụ… động viên tăng cường giết mổ, thu mua, cấp đông. Tính tới việc giảm giá chi phí như việc: hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho người chăn nuôi”- ông Tám nói.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng phải triệu tập cuộc họp gấp này là vì suốt gần nửa năm qua, giá thịt heo liên tục sụt giảm. Những ngày này có lẽ là cực điểm khi giá thịt heo thấp nhất trong nhiều năm qua.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao dẫn đến tình trạng này? đề nghị cần có giải pháp gì để bình ổn giá thịt lợn, công ăn việc làm cho bà con nông dân, các doanh nghiệp nói chung”- ông Cường nói.

Theo ông Cường, có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến giá heo rớt thê thảm. Thứ nhất, nguồn cung đang lớn hơn cầu, đây là nguyên nhân chính. Trong 20 năm qua, riêng về sản lượng thịt tăng khoảng 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn.

Nguyên nhân thứ hai là phải nghiêm túc nhìn nhận là tổ chức ngành hàng thịt heo chưa tốt. Trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn mới chiếm 45%, còn lại là quy mô hộ nhỏ lẻ với 3 triệu hộ chăn nuôi quy mô nhỏ khiến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi, dẫn đến khi có sự cố thị trường thì rất thiệt thòi cho nông dân sản xuất nhỏ.

Khâu chế biến cũng là một khâu yếu nhất của ngành chăn nuôi. Chỉ một số doanh nghiệp lớn có tổ chức chế biến sâu, còn lại nhìn tổng thể rất yếu. Tiêu thụ vẫn theo truyền thống bán tươi là chính.

Khâu tổ chức thị trường kém, kể cả nội địa và xuất khẩu. Mạng lưới phân bổ chưa được nhiều. Mới xuất khẩu được một số ít đi Singapore, Hồng Kông… các thị trường lớn chưa xâm nhập được.

“Ngoài ra còn có sự cố chấp của người chăn nuôi trong các chuỗi giá trị”- ông Cường nói.

Về giải pháp căn cơ nhất, Bộ trưởng Cường đề nghị nhanh chóng tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm quy mô phù hợp nhất, đặc biệt số lợn nái, cân đối với các nhóm thực phẩm và xuất khẩu. Mục tiêu từ nay đến 2019 phải giảm đàn nái từ 4,2 triệu con xuống còn 3 triệu con, nhưng sức sinh sản vẫn phải đảm bảo như 4,2 triệu con.

Phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải tổ chức lại, dưới dạng tổ đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật. Phát triển đối tượng khác thay thế. Không nhất thiết cứ nuôi lợn, có thể thay bằng: thịt trâu, bò, thịt dê…

Về giải pháp tạm thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị trước mắt hạ ngay yếu tố đầu vào như: cám, thuốc thú y… trên cơ sở rà soát công tác quản trị, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

Trở lên trên