MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Nông nghiệp: Lãnh đạo tỉnh Gia Lai ra tận sân bay đón doanh nghiệp để mời giúp giải bài toán nông sản

Gạo, hồ tiêu, cà phê… liên tiếp lâm tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mua hay thậm chí là mất cả mùa lẫn giá, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho rằng gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất nông nghiệp chính là giải pháp.

Chia sẻ câu chuyện ở tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Cường cho biết đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch, các đồng thí thường vụ, các đồng chí lãnh đạo mời gọi rất nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết. "Có những đợt, lãnh đạo tỉnh ra tận sân bay để đón lãnh đạo doanh nghiệp vào để giúp giải bài toán khó cho người nông dân. Một doanh nghiệp đã đầu tư một nhà máy rau quả và trước sự đón tiếp của lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư thêm một nhà máy", Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, việc tập trung kêu gọi nhiều hơn các doanh nghiệp vào liên kết để tổ chức sản xuất chuỗi cùng bà con nông dân chính là giải pháp để giải quyết tình trạng được mùa mất giá, sản xuất bấp bênh. Phương thức này không chỉ hiệu quả ở những khu vực đồng bằng mà còn hữu dụng với những khu vực miền núi, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Sự liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp được Bộ trưởng Cường nhắc tới nhiều trong quá trình trả lời chất vấn. Theo ông Cường, bất cập lớn nhất với ngành nông nghiệp hiện tại không phải là khả năng canh tác mà là bất cập trong lĩnh vực chế biến thương mại. Nếu không giải quyết được khâu này thì được mùa mất giá sẽ là chuyện muôn thủa.

Cụ thể, sản lượng gạo, cà phê, hồ tiêu hay cao su của Việt Nam đều đứng trong top đầu của thế giới, chiếm nhiều chục phần trăm tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, điều này khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt, dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung. Đó chính là yếu tố khiến tình trạng được mùa mất giá xảy ra.

Bên cạnh việc chế biến thương mại nông sản, Bộ trưởng Cường cũng cho rằng cần cơ cấu lại các vùng sản xuất, không tăng, thậm chí giảm sản lượng và tạo ra giá trị gia tăng bằng cách tăng giá trị và sức cạnh tranh cảu sản phẩm. Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực thủy hải sản cũng cần vận hành theo phương thức này để có giải pháp bền vững và lâu dài.

Đề cập đến con cá ngừ đại dương theo chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là loại hải sản mang về doanh thu lớn dù sản lượng tương đối nhỏ. Để tăng giá trị con cá ngừ, việc sơ chế đúng theo quy chuẩn của khách hàng được coi là chìa khóa. Giải bài toán này, cần có sự đầu tư về hậu cần nghề cá để đảm bảo chất lượng.

Một vấn đề khác là sản lượng hải sản hiện nay đã bị khai thác quá khả năng phục hồi. Điều này tác động nghiêm trọng đến năng suất đánh bắt của ngư dân, dẫn đến nhiều tàu nằm bờ hay một số tàu đánh bắt xa bờ và xâm phạm vùng biển nước ngoài. Để giải bài toán này, bên cạnh tăng cường cơ cấu lại và giảm sản lượng khai thác để đi vào chuỗi giá trị, cũng cần tập trung vào nuôi trồng thủy sản trên biển.

"Đây là hướng đi chiến lược. Ở Kiên Giang, có những xã 100% từng đi biển đã thay đổi trở thành 100% nuôi trồng thủy sản. Không chỉ nuôi cá mà nuôi cả rong rêu hay nhuyễn thể…. Khai thác đúng mức, tập trung chế biến, chuyển hướng sang nuôi trồng và cần tập trung để có một ngành khai thác biển bền vững", Bộ trưởng Cường chia sẻ.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên