Bộ trưởng Tài chính: Cổ phần hóa DNNN cần thực chất hơn
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, giai đoạn 2016 – 2020 cần thực chất hơn quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN.
- 17-12-2015Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Khó thể về đích “đúng hẹn”
- 10-12-2015Cổ phần hóa tạo sức sống mới cho doanh nghiệp
- 24-11-2015Cổ phần hóa chậm vì khó xác định giá trị doanh nghiệp
Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (thuộc Văn phòng Chính phủ) về tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước 5 tháng đầu năm 2016, tính đến ngày 27/5/2016, cả nước đã cổ phần hóa được 36 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và 2 đơn vị sự nghiệp công nghiệp (trong đó có 6 tổng công ty nhà nước). Đồng thời, đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 61 doanh nghiệp, đang xác định giá trị doanh nghiệp của 77 doanh nghiệp, đã công bố giá trị doanh nghiệp của 30 doanh nghiệp.
Cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu
Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 5 tháng đầu năm nay, cả nước có Tập đoàn Viễn Thông Quân đội, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và 3 địa phương thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại doanh nghiệp khác với tổng giá trị theo sổ sách là 691,9 tỷ đồng, thu về 2.467,5 tỷ đồng.
Theo lộ trình, giai đoạn 2011-2015 cả nước phải sắp xếp, cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Riêng trong năm 2015 phải hoàn thành cổ phần hóa 285 doanh nghiệp. Thế nhưng đến cuối năm 2015, vẫn còn khoảng 100 doanh nghiệp chưa thể cổ phần hóa. Mặc dù Chính phủ rất quyết liệt đưa ra nhiều giải pháp nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa đảm bảo yêu cầu. Cụ thể, giai đoạn 2011 – 2015, Việt Nam đã sắp xếp cổ phần hóa được khoảng 97% doanh nghiệp cần cổ phần hóa theo Đề án đã được Thủ tướng phê duyệt. Và qua tổng kết sơ bộ, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã có doanh thu tăng lên, lợi nhuận tăng, vốn tăng, hoạt động của doanh nghiệp minh bạch hơn.
Tuy nhiên, “về chất lượng cổ phần hóa chưa đảm bảo yêu cầu. Việc chuyển đổi thực sự từ phương thức quản lý DNNN sang doanh nghiệp cổ phần theo kinh tế thị trường cũng chưa đạt yêu cầu. Bởi lẽ, trong quá trình cổ phần hóa DNNN, có doanh nghiệp mới chỉ bán được khoảng vài ba phần trăm cổ phần, như thế chưa thể nói là đã thực sự được cổ phần hóa” - Bộ trưởng đánh giá.
Cần thực chất để sử dụng hiệu quả vốn nhà nước
Trong giai đoạn 2016-2020, mục tiêu được đặt ra là thực hiện tái cấu trúc DNNN, trên cả nước sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các DNNN còn lại, với mục tiêu số lượng doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020 còn gần 200 (giảm 50% số lượng tại thời điểm năm 2015), đồng thời cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, vừa qua Bộ Tài chính đã trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện nay, đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật này. Trong đó, quy định doanh nghiệp nhà nước chỉ đầu tư vào một số lĩnh vực, còn lại đẩy mạnh tái cơ cấu và cổ phần hóa hết. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, rà soát để trình Chính phủ sửa Quyết định 37 về phân loại tiêu chí doanh nghiệp theo tinh thần của Luật Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Với thực trạng như hiện nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, “giai đoạn 2016 – 2020 cần phải tiếp tục mạnh mẽ hơn, thực chất hơn quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Đương nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, phát triển thị trường tài chính, thị trường chứng khoán để phục vụ quá trình tái cơ cấu.
Còn theo khuyến nghị của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), những cải cách khu vực DNNN theo hướng cổ phần hóa để phân bổ và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn cũng cần phải được thực hiện gấp rút nhằm nâng cao hiệu suất vốn xã hội và năng suất tổng hợp của nền kinh tế./.
VOV