MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Tài chính: Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn, DN lớn không có tiền, DN nhỏ không có việc. Cùng đó, giải ngân đầu tư công ì ạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân của thực tế này do khó khăn, ách tắc chính sách.

Tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm sáng 15/7, Bộ Tài chính thông tin 6 tháng đầu năm thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2023. Chi NSNN ước đạt 800.000 tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán, bằng xấp xỉ mức thực hiện năm 2023.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dự kiến chính sách tài khoán mở rộng kết thúc vào cuối năm. Những năm qua, chính sách tài khoá mở rộng đã miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, người dân gần 200 tỷ đồng/năm. Bước sang năm 2025, cơ quan chức năng phải thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, dừng chính sách miễn, giảm thuế phí. Đồng thời, cơ quan chức năng tập trung sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

“Tình hình doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, giải thể vẫn lớn. Một trong những nguyên nhân của thực tế này do khó khăn, ách tắc chính sách”, ông Phớc nhận định.

Bộ trưởng Tài chính: Doanh nghiệp lớn không có tiền, doanh nghiệp nhỏ không có việc- Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu thực trạng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 gần 29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Chậm giải ngân vốn đầu tư công do ách tắc trong phê duyệt chủ trương đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công 1 đồng sẽ kéo theo vốn đầu tư xã hội 2 đồng. Vốn đầu tư công ách tắc sẽ tác động đến vốn đầu tư xã hội.

“Do chậm giải ngân, số tiền nằm ở kho bạc trên 1 triệu tỷ đồng trong khi doanh nghiệp phải đi vay lãi suất cao là sự lãng phí. Thậm chí, nhiều địa phương không muốn thực hiện dự án vay vốn ODA do gặp nhiều vướng mắc. Vì vậy, tôi đề nghị, các đơn vị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Khi gặp khó khăn, các đơn vị trình, báo cáo lãnh đạo bộ, tôi sẽ ký và chịu trách nhiệm”, ông Phớc cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính đề nghị đơn vị trực thuộc thúc đẩy tháo gỡ khó khăn lĩnh vực bất động sản. Theo ông Phớc, nếu không khơi thông lĩnh vực bất động sản, nền kinh tế nguy cơ chậm phát triển.

Theo số liệu chưa đầy đủ, tiền nợ sử dụng đất gần 100.000 tỷ đồng, gây thất thu ngân sách, không chỉ lãng phí nguồn lực xã hội mà còn tạo ra lãng phí nguồn lực doanh nghiệp. Người dân nộp tiền nhưng không được giao đất. Trong khi đó, doanh nghiệp thu tiền đất, phá sản, thậm chí đi tù. Bộ Tài chính đang đề xuất, doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính mới có quyết định giao đất.

Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên