MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Tài chính: Một đầu mối quản lý nợ công, Bộ nào cũng được, nhưng quốc tế là để Bộ Tài chính

Quốc hội sẽ tiếp tục quyết định về an toàn nợ công, chi tiêu nợ công cũng như kế hoạch trả nợ giai đoạn 5 năm.

Sáng ngày 16/6, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc với phần thảo luận về Luật nợ công sửa đổi. Sau phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có 15 phút giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu.

Bộ trưởng cho biết, Luật sửa đổi dựa trên tinh thần của Luật là đảm bảo yêu cầu của pháp luật liên quan và quy định về nợ công, còn phạm vi nợ công là điều chỉnh để phù hợp với quốc tế.

Liên quan Ngân hàng Chính sách, Bộ trưởng cho biết, chính phủ bảo lãnh phát hành trái phiếu thực hiện nhiệm vụ theo nhiệm vụ của Chính phủ nên thuộc nợ công.

Về phạm vi nợ công, theo thông lệ quốc tế, nợ công bao gồm nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ (bao gồm của địa phương, trung ương, Chính phủ là chủ thể đi vay và chịu trách nhiệm trả nợ bằng ngân sách), nợ dự phòng (không phải do Chính phủ đi vay nhưng Chính phủ cam kết trả nợ thay nếu chủ thể mất khả năng trả nợ toàn phần hoặc một phần, tức bảo lãnh, cho vay lại).

Về nợ của doanh nghiệp Nhà nước, theo Bộ trưởng phạm vi nợ công đã tính các khoản DNNN vay lại vốn vay của nước ngoài và các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Còn các khoản vay tự vay tự trả, DNNN là công ty TNHH một thành viên hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp khác theo luật Doanh nghiệp và quản lý theo luật quản lý kinh doanh vốn đầu tư doanh nghiệp và nhà nước.

Theo hướng dẫn WB chỉ tính nợ tự vay tự trả vào nợ công nếu thỏa mãn 3 điều kiện đồng thời: Chính phủ sở hữu 50% vốn tại doanh nghiệp; Hoạt động thu chi của doanh nghiệp được tính trong dự toán thu chi hàng năm; Chính phủ cam kết trả nợ thay nếu chủ thể đi vay không thể trả được nợ.

Ngoài ra, trên thế giới hiện nay, theo bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khảo sát hơn 40 nước thì hầu hết là không tính nợ của DNNN vào nợ công, chỉ có 3 nước.

Với các khoản nợ của NHNN vay để thực hiện chính sách tiền tệ thì không tính vào nợ công. Vì NHNN thực hiện vai trò của Ngân hàng trung ương thực thi chính sách tiền tệ đảm bảo giá trị đồng tiền, cán cân thanh toán, trong đó có việc phát hành các công cụ nợ có kỳ hạn dưới 12 tháng. Theo Bộ trưởng, bản chất của nghiệp vụ này là sử dụng công cụ nghiệp vụ để điều hòa thị trường mở theo quy định.

Theo thông lệ quốc tế, phần lớn các nước NHTW là ngân hàng độc lập, Thống đốc không phải thành viên của Chính phủ, còn ở Việt Nam thì NHNN là đơn vị thuộc Chính phủ, còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ…Tuy nhiên với vai trò quản lý Nhà nước thì NHNN không có chức năng huy động vốn cho chính phủ nên hoạt động huy động vốn của NHNN không thuộc nợ công.

Với các đơn vị sự nghiệp công lập như bệnh viện trường học thì có tính vào nợ công. Theo quy định hiện hành, các khoản tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập thì áp dụng như với các khoản nợ của doanh nghiệp thông thường.

Về chỉ tiêu an toàn nợ công, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của UBTVQH và các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh lại theo hướng Quốc hội sẽ quyết định trong chiến lược 5 năm.

Về thẩm quyền quyết định chi tiêu nợ công, căn cứ vào khoản 2 điều 7 của luật tổ chức Chính phủ thì Chính phủ quyết định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình dự án khác theo thẩm quyền. Nội dung chiến lược này mang tính định hướng, giải pháp mang tính chất định hướng, điều hành của Chính phủ chứ không phải là pháp lệnh như các chỉ tiêu của Quốc hội. Việc xây dựng phải theo quy chủ trương của Đảng, của Quốc hội.

Về kế hoạch trả nợ 5 năm thì cũng trình Quốc hội, thẩm quyền của Quốc hội quyết định.

Về nhiệm vụ quyền hạn quản lý nợ công, theo Bộ trưởng, đại biểu nói giao cho Chính phủ quyết định nhưng về nợ công liên quan đến hai ngành thì đã đưa vào 2 luật chuyên ngành là Luật của NHNN (Luật TCTD - pv), và Luật về nợ công của Bộ Kế hoạch đầu tư. Luật NHNN năm 2010 đến nay cũng phải tổng kết đánh giá để sửa đổi một số điều...Còn như liên quan kế hoạch đầu tư, quy định hiện hành đại biểu nói làm tốt, nhưng như phiên chất vấn ngày 15/6 với Bộ trưởng KHĐT cho thấy đại biểu rất lo lắng chất vấn nhiều về đầu tư công và điều đó làm cho Chính phủ cũng rất trăn trở.

Song về thông lệ quốc tế là họ chỉ có một đầu mối quản lý, điều này nếu làm được ngay thì tốt, còn nếu bất cập mà cứ sửa thì dở. Quan điểm của Bộ Tài chính là Bộ trình 1 đầu mối, còn một đầu mối là thuộc về ai quản lý là do Quốc hội quyết định, do Bộ kế hoạch đầu tư cũng được, NHNN cũng được, Văn phòng Chính phủ cũng được nhưng các nước thì thông lệ là Bộ Tài chính quản lý.

Về bảo lãnh nợ nước ngoài và cho vay lại, Bộ xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và trên tinh thần là siết chặt các khoản cho vay này.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên