MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Tài chính: Mức đóng 2% phí công đoàn là rất lớn, cần xem xét giảm

Đối với chi phí công đoàn, theo ông Đinh Tiến Dũng cũng cần phải nghiên cứu việc giảm khoản đóng này, bởi mức đóng 2% là rất lớn.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường ngày 3/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết việc giảm giãn thuế đã được thực hiện trong suốt thời gian qua và với lộ trình ngày càng nhanh.

Theo ông Dũng, điều này một phần cũng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng cũng khiến giảm thu khoảng 1% GDP mỗi năm.

Trong khi đó, so với các nước khu vực ASEAN thì Việt Nam mức ở mức trung bình thấp về thuế thu nhập. Bởi vậy, Bộ trưởng đề nghị, các đề xuất miễn giảm thuế sắp tới cần cẩn trọng và cân nhắc.

Về các khoản đóng góp dôi dư, ông Dũng cho biết hàng tháng doanh nghiệp phải đóng 23,5% quỹ lương, trong đó: 21,5% đóng cho bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và 2% đóng phí công đoàn…

Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, mức đóng này rất lớn, tương đối cao so với các nước trong khu vực. Do vậy, ông Dũng cho rằng việc giảm mức đóng cần tính toán để đảm bảo an toàn cho các quỹ, nhất là quỹ BHXH.

"Vừa qua Chính phủ đã đồng ý giảm mức bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5% cho hết 31/12/2019. Tuy nhiên, mức này vẫn còn 2.550 tỷ/năm, tương ứng 13,7 triệu đồng/năm/doanh nghiệp.

Hơn nữa, chính sách này chỉ mang tính ngắn hạn, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch tài chính của doanh nghiệp. Vì thế, cần phải mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm để giảm chi tiêu", ông Dũng kiến nghị.

Đối với chi phí công đoàn, theo ông Đinh Tiến Dũng cũng cần phải nghiên cứu việc giảm khoản đóng này, bởi mức đóng 2% là rất lớn.

Vấn đề thứ ba, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, phần lớn chi phí doanh nghiệp hiện nay đang phải chịu từ lãi suất ngân hàng, đa phần là do vốn vay. Dư nợ tín dụng đang vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay khá cao từ 3-5%.

“Hệ thống ngân hàng đang thu từ nền kinh tế trên dưới 200 ngàn tỷ đồng/năm, cao hơn toàn bộ số thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách. Nên việc phấn đấu giảm lãi suất 0,5-1% sẽ có tác động lớn cho doanh nghiệp. Do đó, ngành ngân hàng phải tập trung đẩy mạnh xử lý nợ xấu và cơ cấu lại ngân hàng lành mạnh”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng, doanh nghiệp còn chịu chi phí liên quan đến thủ tục hành chính như thuế, hải quan, đất đai. Do đó, Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục thuế, hải quan theo hướng đơn giản hóa, giúp giảm chi phí.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ccũng kiến nghị thúc đẩy chi tiêu công, vốn đầu tư công. Các chương trình mục tiêu mới được Chính phủ phê duyệt 4/24 chương trình, nên cần đẩy nhanh tiến độ, trên cơ sở thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ bố trí kinh phí theo dự toán.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn đầu tư theo cân đối ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, các nguồn vốn khác và vốn đầu tư từ năm 2016 chuyển sang còn 300.000 tỷ đồng. Về vấn đề này, Bộ Tài chính sẽ tập trung giải quyết bởi nếu giải quyết được sẽ huy động thêm 600.000 đồng tỷ.

Cùng với đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kiến nghị cần chỉ đạo đẩy nhanh công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện đang quá chậm.

Theo N.Mạnh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên