MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Bộ trưởng, Thứ trưởng cũng nhận điện thoại mua chuộc đến đe dọa…”

Kinh doanh đa cấp đang có những hình thái biến tướng rất khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều hệ lụy và nguy hiểm xấu cho xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã bày tỏ nỗi bức xúc về hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp trong thời gian gần đây đã gây nhiều hệ lụy cho xã hội tại Hội nghị sơ kết Chỉ thị 02 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chiều ngày 19/9.

Kể lại câu chuyện cách đây 4 tháng khi cùng Thủ tướng tham dự Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp tại TPHCM, Bộ trưởng đã nhận được một câu hỏi khó của một đai biểu, khiến ông phải trăn trở nhiều.

“Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng trả lời rất thuyết phục, nhưng nếu không nhìn nhận đầy đủ về hoạt động bán hàng đa cấp bất chính thì Bộ trưởng và Bộ Công Thương không còn chút uy tín nào với người dân và xã hội” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kể lại câu nói của vị đại biểu khiến ông suy nghĩ.

Thẳng thắn chia sẻ, Bộ trưởng nói thời điểm bấy giờ những thông tin về bán hàng đa cấp mới được tiếp cận. Bởi vậy, lời đề nghị của vị đại biểu “Bộ trưởng phải có trách nhiệm xử lý” được ông xem như một lời cảnh báo với người đứng đầu Bộ Công Thương, vừa mới được Quốc hội phê chuẩn không lâu.

“Nếu không có sự tiếp cận và tác động của truyền thông thì có lẽ Bộ Công Thương chưa kịp phản ứng. Có những tồn tại nhất định nhưng rõ ràng bài học kinh nghiệm là theo dõi, theo sát việc chấp hành pháp luật, chính sách chủ trương đi vào cuộc sống, là bài học đặt ra. Nếu không thay đổi cách tiếp cận của bộ máy công quyền với đối tượng quản lý, thì khó thay đổi với hoạt động này” – Bộ trưởng bộc bạch.

Hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp không những để lại những hệ lụy không nhỏ cho xã hội và người dân, mà còn gây những nguy hiểm khôn lường. Dẫn chứng từ con số 1,2 triệu người tham gia bán hàng đa cấp trước khi Chỉ thị 02 ban hành, Bộ trưởng cho rằng đây là con số đáng chú ý song chưa được đánh giá đầy đủ tác động của đa cấp đến những đối tượng này.

Báo cáo của Cục quản lý cạnh tranh cho biết đến tháng 9/2016 số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện có 500.000 người, đem về doanh thu 4.000 tỷ đồng cho khoảng 50 doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Cơ quan này cũng đã kiểm tra, thanh tra và phát hiện 36 doanh nghiệp vi phạm, bị xử phạt số tiền gần 6,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng cục quản lý thị trường (Bộ CôngThương) cho rằng rất khó để xử lý vi phạm khi mà quy định không cần DN phải có chi nhánh ở địa pương đang gây ra khó khăn trong công tác thanh kiểm tra, nên không thể liên hệ được với người đại diện tại địa phương. Thậm chí, có trường hợp có tên và số điện thoại, có thông báo nhưng gọi thì không thể gặp được.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở công thương Thừa Thiên Huế, thì cho hay người tham gia chủ yếu người lao động, sinh viên, cán bộ về hưu, hoặc mối quan hệ chằng chịt là người thân lừa lẫn nhau… nhưng văn bản quản lý của Bộ Công THương lại không điều chỉnh kịp thực tiễn nên rất khó quản lý. Nhiều trường hợp bị thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng không tố cáo mà tiếp tục vận động người thân tham gia.

Trong khi đó, chính Bộ trưởng cũng thừa nhận hoạt động này đang gây nhiều nguy hiểm khi ông kể: “Chúng tôi nhận điện thoại đe dạo, mua chuộc kiểm tra công ty hoạt động bán hàng đa cấp, từ những công ty đã vi phạm nhiều lần, vì lợi nhuận lớn”.

Việc sửa đổi Nghị định 42 quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp đang được Bộ Công Thương sửa đổi và trình Chính phủ trong tháng 11 tới đây. Theo đó, những yêu cầu cụ thể hơn như phải có chi nhánh được cấp phép cơ quan quản lý, quy định hành vi bán hàng đa cấp, yêu cầu ký quỹ… sẽ đưa ra để nâng cao hơn nữa quy định và bị lỗ hổng quản lý hoạt động này.

C. An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên